Hoàng thành Huế
Hoàng thành Huế

Đưa di sản vào phát triển kinh tế

Sở hữu kho di sản văn hóa phong phú, trải dài và phân tầng đặc sắc bậc nhất cả nước, duyên hải miền trung đang nắm trong tay cơ hội lớn để bứt phá về du lịch và phát triển kinh tế từ chính nguồn tài nguyên quý giá này.

Trụ cột vững chãi cho phát triển kinh tế

Miền trung là vùng dễ tổn thương về kinh tế do thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khô hạn và thiếu nguồn lực đầu tư. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển hóa giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế. Di sản không nên chỉ nằm trong các bảo tàng, lễ hội hay tour tham quan, mà phải trở thành một phần sống động trong đời sống kinh tế - xã hội.

Hiện đã có nhiều địa phương “chuyển mình” thành công, tiêu biểu như khu vực phố cổ Hội An (Đà Nẵng). Từ một thành phố di sản, Hội An (trước kia) phát triển thành mô hình kinh tế văn hóa với sự tham gia sâu của cộng đồng. Các nghề truyền thống như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, đèn lồng, áo dài... được tái thiết kế, gắn với du lịch trải nghiệm. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét, dịch vụ - du lịch - thương mại chiếm tới 70% và tạo nguồn thu ổn định cho người dân.

Cùng với Hội An, Đà Nẵng còn tự hào sở hữu Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Bên cạnh du lịch, những địa phương này tạo ra chuỗi sản phẩm từ văn hóa bản địa, như thổ cẩm, dược liệu, ẩm thực đặc trưng của đồng bào Cơ Tu, Xơ Đăng. Đây là cách phát triển kinh tế từ gốc, không chỉ tận dụng di sản vật thể mà còn khai thác chiều sâu của văn hóa phi vật thể và tri thức bản địa.

Hay như tại Huế, di sản không chỉ được trình diễn trong không gian cố định như Đại Nội hay các lăng tẩm, mà đang từng bước được đưa vào các hoạt động sáng tạo. Nhã nhạc cung đình được phối lại trong các chương trình nghệ thuật đương đại; áo dài, kiến trúc cổ kính xuất hiện trong các thiết kế sản phẩm thủ công, nội thất, thời trang…

Tại Khánh Hòa, phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn di sản đang được xác định là hướng đi chủ lực, đặc biệt là du lịch biển và văn hóa Chăm. Địa phương tập trung đầu tư hạ tầng, kết nối các di tích với danh lam thắng cảnh và vùng lân cận để hình thành sản phẩm du lịch mới, khác biệt.

Thí dụ như khi đến tháp Pô Rômê và Pô Klong Garai, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ mà còn trải nghiệm không gian văn hóa Chăm sống động, với thuyết minh miễn phí bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Vẫn thiếu một tầm nhìn dài hạn

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc tích hợp di sản vào chiến lược kinh tế vùng vẫn đang thiếu một tầm nhìn dài hạn và sự phối hợp liên vùng. Mỗi địa phương vẫn chủ yếu khai thác tài nguyên riêng lẻ, chưa có liên kết để tạo thành chuỗi sản phẩm hoặc hành lang kinh tế văn hóa của cả khu vực duyên hải miền trung.

Để di sản văn hóa thật sự trở thành động lực phát triển vùng, chính sách phải đóng vai trò kiến tạo thay vì chỉ quản lý. Hiện nay, nhiều di sản vẫn đang bị “đóng khung” trong mô hình quản lý hành chính, nặng về bảo tồn hình thức, nhẹ về khai thác giá trị. Tâm lý e ngại đầu tư tư nhân, sợ “thương mại hóa di sản” khiến không ít dự án khởi nghiệp phải vật lộn với thủ tục, thậm chí bị chặn lại khi còn chưa kịp thử nghiệm.

Ngoài ra, hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương hiện mới dừng ở mức tham gia gian hàng chung, thiếu bộ nhận diện thương hiệu thống nhất và hiếm có các sự kiện quảng bá chung. Việc phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện liên vùng, xây dựng sản phẩm đặc trưng cùng doanh nghiệp và hiệp hội du lịch vẫn còn mờ nhạt, hiệu quả thấp.

Theo một số chuyên gia, di sản sẽ chết nếu đứng yên, nhưng nếu được trao không gian sáng tạo, nó sẽ tạo ra giá trị mới, nuôi dưỡng bản sắc và mở rộng cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, trên thế giới đã có nhiều mô hình thành công như Kyoto (Nhật Bản), Luang Prabang (Lào), hay Ubud (Indonesia), nơi di sản được tích hợp mượt mà vào đời sống kinh tế và trở thành nền tảng của các ngành công nghiệp sáng tạo.

Vì vậy, cần một chiến lược liên kết vùng, đặt di sản vào đúng vai trò hạt nhân phát triển. Các địa phương cần chia sẻ nguồn lực, xây dựng hành lang kinh tế văn hóa miền trung với những tuyến du lịch liên hoàn, sản phẩm bổ trợ và thương hiệu chung. Đồng thời, cần khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào sáng tạo trên nền tảng di sản, từ đó hình thành chuỗi giá trị văn hóa bền vững.

Duyên hải miền trung, vùng đất với nhiều cái tên mang tầm quốc tế như Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn... Tuy nhiên, kho tàng này vẫn chưa được khai thác đúng tầm. Nhiều địa phương vẫn xem di sản là yếu tố phụ trợ cho du lịch, thay vì một trụ cột phát triển kinh tế bền vững.

Xem thêm