Hội nghị cũng công bố và giao chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 cho 58 xã, phường mới thuộc khu vực Bình Định, nay là một phần của tỉnh Gia Lai mới.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2025, cho thấy bức tranh toàn diện và tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Trong bối cảnh chuyển tiếp hành chính và tổ chức bộ máy sau sáp nhập, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai mới vẫn duy trì ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, GRDP toàn tỉnh Gia Lai mới 6 tháng đầu năm ước tăng 7,5% so với cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,4%, phản ánh sự phục hồi ổn định của sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch tích cực sang nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 10,5%, trong đó riêng công nghiệp tăng 11%, cho thấy hiệu quả từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động.
Khu vực dịch vụ tăng 7,6% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch, thương mại và vận tải… So với từng vùng trước sáp nhập, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tỉnh Bình Định 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 7,92% so với cùng kỳ; trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,32%; công nghiệp và xây dựng tăng 11,61% (riêng công nghiệp tăng 12,18%; xây dựng tăng 10,33%); dịch vụ tăng 8,46%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,08%.
Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tỉnh Gia Lai (cũ) 6 tháng đầu năm 2025 ước tăng 6,90% so với cùng kỳ, trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,32%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,87% (riêng công nghiệp tăng 9,66%; xây dựng tăng 4,89%); dịch vụ tăng 6,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 1,54%.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2025.
Trong bối cảnh tỉnh Gia Lai mới vừa được hợp nhất, khối lượng công việc lớn, địa bàn rộng, điều kiện tự nhiên và xã hội đa dạng, nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tiềm năng lớn, chúng ta cũng đang đối mặt với không ít thách thức.
Với địa bàn tỉnh rộng, trải dài từ Tây Nguyên đến duyên hải Nam Trung Bộ, điều kiện tự nhiên, dân cư, văn hóa và quy hoạch phát triển khác biệt. Việc hợp nhất hai tỉnh với hai hệ thống quy hoạch, hai cơ chế vận hành khác nhau đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một quy hoạch tổng thể mới, đồng bộ, khoa học, khả thi và có tầm nhìn dài hạn.

Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã chỉ ra 8 thách thức và 8 yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi cán bộ, công chức các phường, xã phải bắt tay vào việc ngay, nhất là trong bối cảnh công tác sắp xếp tổ chức bộ máy sau sáp nhập còn nhiều việc phải làm.
Hiện, một số địa phương, đơn vị vẫn còn lúng túng trong vận hành, phân công nhiệm vụ chưa rõ ràng, thiếu cán bộ có kinh nghiệm. Đặc biệt là ở cấp xã, phường mới nên cán bộ, công chức phải nhanh chóng thích nghi để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các sở, ban ngành khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Gia Lai mới đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch phải đồng bộ, tích hợp, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng lĩnh vực, từng địa phương;
Đồng thời rà soát, ban hành đầy đủ các quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các cơ quan chuyên môn. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cán bộ.
Trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền chủ động cho cấp xã, phường trong giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Mọi thủ tục hành chính thông thường phải được giải quyết tại cấp xã, phường, đây là nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng chính quyền phục vụ.

Trong thời gian tới, các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2025 với tinh thần tự lực, tự cường, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; triển khai hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2025.
Tập trung triển khai vận hành chính quyền địa phương 2 cấp theo các tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Tỉnh ủy; bảo đảm bộ máy mới vận hành thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn và không làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Theo dõi sát tình hình thực tiễn, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực theo từng tháng, quý.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai mới xác định đây là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là thời điểm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt là thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và củng cố các yếu tố nền tảng để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới.