Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang được quảng bá rộng rãi. Ảnh: Khiếu Minh
Trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang được quảng bá rộng rãi. Ảnh: Khiếu Minh

Thanh Hóa “đánh thức” di sản thành động lực kinh tế

Sở hữu hàng loạt di sản văn hóa lịch sử, Thanh Hóa đang từng bước chuyển hóa “kho vàng mềm” này thành một nguồn lực phát triển kinh tế mới.

Lâu nay, Thanh Hóa luôn được ví như “Việt Nam thu nhỏ” bởi sở hữu sự phong phú và đặc sắc bậc nhất về văn hóa bản địa với hơn 1.535 di tích lịch sử. Trong đó nổi bật là Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, cùng kho tàng di sản phi vật thể của 7 dân tộc anh em, các làng nghề truyền thống như chiếu cói Nga Sơn, nón Trường Giang, đúc đồng Chè Đông…

Tiềm năng từ “kho vàng mềm”

Từ năm 2021, Thanh Hóa đã triển khai Đề án phát triển công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản giai đoạn 2021-2030. Tỉnh định hướng xây dựng thương hiệu du lịch dựa trên giá trị văn hóa - lịch sử, với những thông điệp đặc trưng như “Về miền di sản xứ Thanh”, “Lam Kinh - vùng đất linh thiêng”.

Một điểm đáng chú ý trong cách làm mới của Thanh Hóa là di sản không còn bị tách biệt như một yếu tố trang trí trong tour tuyến, mà được tích hợp vào chuỗi giá trị kinh tế địa phương. Những đặc sản như nem chua, mắm tép, nếp cái hoa vàng hay các sản phẩm OCOP từ làng nghề truyền thống được kết nối chặt chẽ với hành trình tham quan di tích, từ đó kéo dài chuỗi tiêu dùng và nâng giá trị mỗi điểm đến.

Song song với đó, du lịch di sản đang được tái cấu trúc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số. Theo Quyết định 3572 của UBND tỉnh, nhiều bảo tàng đã hoàn tất số hóa hàng nghìn hiện vật.

Những cải tiến này từng bước đưa du lịch văn hóa thoát khỏi lối tiếp cận truyền thống, hướng đến mô hình tăng trưởng thực chất. Theo Chi cục Thống kê tỉnh, GRDP năm 2024 của Thanh Hóa tăng 12,16% so năm trước, nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất cả nước. Riêng khu vực dịch vụ, bao gồm du lịch và văn hóa, tăng 8,12%, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung.

Mới đây, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp văn hóa. Điểm mới trong kế hoạch là xây dựng hệ thống dữ liệu văn hóa toàn diện, thiết lập bản đồ số các ngành công nghiệp văn hóa và tích hợp chỉ tiêu phát triển văn hóa vào hệ thống thống kê kinh tế - xã hội.

Lần đầu tiên, các lĩnh vực như biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, xuất bản, quảng cáo… được đánh giá trên cơ sở đóng góp vào GRDP, tỷ lệ việc làm, năng lực xuất khẩu và sức ảnh hưởng xã hội. Nhờ đó, chính quyền có căn cứ vững chắc để phân bổ ngân sách, hoạch định chính sách và đo lường tác động của ngành văn hóa đối với phát triển kinh tế.

Cần kế hoạch dài hạn để tránh “phát triển nóng”

Thanh Hóa không xem văn hóa chỉ là di sản để gìn giữ, mà là tài nguyên cần được khai thác bài bản, có chiến lược. Với cách tiếp cận này, tỉnh đang từng bước biến văn hóa thành nền tảng tạo việc làm, nâng giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu địa phương trên bản đồ phát triển bền vững.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về quản trị không gian văn hóa, tránh tình trạng “phát triển nóng” làm tổn hại đến di sản. Thực tế, việc phát triển du lịch ồ ạt tại các điểm di sản như Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, khu Lam Kinh… đang gây áp lực lớn lên hạ tầng và môi trường. Bên cạnh đó, một số khu di tích đã xuất hiện tình trạng quá tải vào mùa lễ hội, thiếu kiểm soát về hoạt động buôn bán, dịch vụ phụ trợ. Không gian văn hóa truyền thống dần bị thay thế bởi các hoạt động giải trí, mua sắm thiếu chọn lọc. Những hình thức “sân khấu hóa” mang tính đại trà, lặp lại ở nhiều nơi có thể làm giảm chiều sâu của trải nghiệm di sản.

Một thách thức khác đến từ chính áp lực tăng trưởng nhanh khi tỉnh đặt mục tiêu đón 16 triệu lượt khách vào năm 2025, đồng nghĩa với việc cần mở rộng hạ tầng, dịch vụ đi kèm. Nếu không có quy hoạch bền vững, nguy cơ mất cân đối giữa khai thác và bảo tồn là rất lớn. Các vùng di tích sẽ bị “bê-tông hóa”, người dân địa phương dễ bị cuốn vào guồng quay thương mại mà quên đi cốt lõi văn hóa bản địa.

Các chuyên gia cho rằng, Thanh Hóa đang bước qua lằn ranh giữa bảo tồn và phát triển, giữa cảm tính và khoa học, giữa hành chính hóa và kinh tế hóa trong lĩnh vực văn hóa. Để bảo vệ giá trị di sản khỏi nguy cơ bị “du lịch hóa” thái quá, Thanh Hóa cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư, với các tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Xem thêm