Việc thúc đẩy quảng bá điểm đến và sản phẩm làng nghề trên nền tảng số bước đầu cũng đạt được kết quả khả quan.
Những mô hình nổi bật
Năm 2020, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại Việt Nam, hệ thống Beachside Boutique Home của bà Lương Thúy Hà cùng nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch tại An Bàng (thành phố Hội An trước kia) rơi vào tình trạng thua lỗ trầm trọng. Ngay thời điểm khó khăn, bà Hà kêu gọi các doanh nghiệp, hộ gia đình trong khu vực thành lập Chợ phiên làng chài Tân Thành tạo mạng lưới kết nối, hỗ trợ các bên giới thiệu, tăng kênh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng khi thị trường bên ngoài đang “đóng băng”. Ngay lập tức, chợ phiên thu hút sự tham gia của nhiều hộ với đa dạng sản phẩm, tạo ra môi trường kinh doanh.
Từ hiệu quả bước đầu của Chợ phiên làng chài Tân Thành, nhiều mô hình tương tự tại Hội An đã được lan tỏa.
Hiện Beachside Boutique Home cùng hơn 100 doanh nghiệp, hộ kinh doanh khác còn tham gia Câu lạc bộ Điểm đến, cùng kết nối, đồng hành, tạo nên cộng đồng phát triển du lịch từ cơ sở theo hình thức chia sẻ lợi ích, hạn chế rủi ro. “Từ các cộng đồng như thế, nhiều khu vực làm du lịch xa phố cổ, không có lợi thế về di sản đã tự tin khai thác thế mạnh hiện có, tạo được nguồn thu ổn định và góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng, mang hiệu quả kinh tế cao”, bà Hà cho biết thêm.
Với diện tích 18 ha, làng rau Trà Quế 300 năm tuổi ở Hội An hiện có 274 hộ, trong đó số hộ chuyên trồng rau chiếm gần 76%. Việc đưa du khách về đây tham quan, tìm hiểu quy trình trồng rau và trải nghiệm làm nông không chỉ tạo thêm nguồn thu mà còn quảng bá hình ảnh, sản phẩm của làng. Chỉ sau hai năm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, mới đây, làng rau Trà Quế trở thành đại diện duy nhất tại Việt Nam được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới” trong năm 2024.
Năm 2024, “Làng nghề lên số” - dự án đoạt giải thưởng quốc tế Kotler Awards 2024 ở hạng mục “Công nghệ số và đổi mới sáng tạo có tầm ảnh hưởng” - mang đến “làn gió mới” cho du lịch Hội An, mở ra nhiều hướng phát triển, đưa sản phẩm truyền thống đến du khách với giá trị kinh tế cao hơn trước. Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán hàng, quảng bá, tiếp thị, truyền thông được mời về phố cổ tham gia chương trình gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ trong nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Kinh
nghiệm từ chuyên gia, sự hỗ trợ của các tổ chức đã và đang giúp nhiều làng nghề tại Hội An tận dụng tốt thế mạnh hiện có, đầu tư bài bản cho quy trình quảng bá hình ảnh và nâng cao chất lượng phục vụ du lịch.
Phát triển từ bản sắc
Hội An có hơn 1.400 di tích lịch sử-văn hóa. Nhiều năm qua, thay vì dựa hoàn toàn vào di tích, địa phương này đã triển khai đồng loạt các mô hình du lịch gắn liền với đời sống người dân, sản phẩm độc đáo tại từng điểm đến, tập trung phát triển du lịch xanh, bảo đảm giá trị lâu dài với các bộ tiêu chí khắt khe.
Cuối năm 2023, Hội An chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời mở ra cơ hội để địa phương này thực hiện mô hình phát triển bền vững.
Trước đó, Hội An đã mạnh dạn lựa chọn lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian để đăng ký gia nhập mạng lưới nói trên. Hội An hiện có khoảng 50 nghề và làng nghề truyền thống, trong đó có nhiều nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cả khu vực này tập trung khoảng 660 cơ sở cùng hơn 1.700 hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian.
Bên cạnh chính sách đổi mới mô hình hoạt động theo hướng bền vững tại các làng nghề, chiến dịch quảng bá đa nền tảng, đẩy mạnh chuyển đổi số đã tạo sức bật cho loại hình du lịch gắn liền với đời sống bản địa.
