Tuy nhiên, những khó khăn, hạn chế về hạ tầng, chính sách đầu tư, quy hoạch đất đai vẫn là những rào cản khiến khu kinh tế chưa phát huy hết tiềm năng.
Sau ngày thành lập, Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy được quan tâm bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở khu vực trung tâm xã Thanh Thủy với diện tích hơn 100 ha. Đến nay, đã đầu tư khoảng 600 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng các tuyến đường phân lô, hệ thống điện, nhà chức năng, bến bãi trong khu kinh tế.
Hiện tại, hai dự án trọng điểm đang được triển khai với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, gồm dự án xây dựng trạm kiểm soát liên ngành và dự án xây dựng đường nối từ Quốc lộ 2 vào khu thương mại biên mậu Nà La. Đây là các công trình mang tính chất chiến lược, giúp nâng cao năng lực thông quan và cải thiện hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu.
Sau nhiều năm đầu tư, kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cơ bản đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa; xuất, nhập cảnh, nhất là thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Khu kinh tế đã thu hút hơn 40 dự án đầu tư, tổng số vốn đăng ký hơn 1.220 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ xuất, nhập khẩu, dịch vụ kho bãi.
Ông Hoàng A Chinh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Hiện nay, năng lực của khu kinh tế đáp ứng được hoạt động xuất, nhập khẩu từ 100 đến 200 xe container hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy mỗi ngày. Đây là kết quả của quá trình đầu tư bài bản về hạ tầng trong thời gian qua”.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy cũng tích cực cải tiến quy trình giải quyết thủ tục, áp dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình xử lý hồ sơ. Tất cả thủ tục xuất, nhập khẩu hiện nay đều được triển khai trên môi trường mạng. Qua đó rút ngắn thời gian, công sức, chi phí cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Nhờ các giải pháp đồng bộ, hoạt động xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy ngày càng sôi động. 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 312 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2024; hơn 11.000 lượt người và gần 7.000 phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu. Tổng số thuế thu nộp ngân sách là hơn 145 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2024...
Dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng hoạt động của Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy vẫn chưa được như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân lớn là nguồn lực đầu tư cho hạ tầng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đồng bộ. Nhiều khu vực nằm trong quy hoạch khu kinh tế vẫn chưa có quy hoạch chi tiết hoặc chưa được giải phóng mặt bằng do thiếu vốn, dẫn đến quỹ đất sạch gần như đã cạn kiệt, đặc biệt là đất để thu hút các dự án lớn.
Vị trí địa lý cũng là yếu tố hạn chế trong việc phát triển kinh tế cửa khẩu. Theo ông Hoàng A Chinh, Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy không có lợi thế so sánh với các cửa khẩu lớn trong khu vực. Giao thông kết nối từ Hà Nội lên cửa khẩu hiện nay chỉ có tuyến Quốc lộ 2, vừa nhỏ, vừa xa, gây khó khăn trong việc thu hút doanh nghiệp đến tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Các dự án đã đầu tư chủ yếu là dịch vụ kho bãi với quy mô nhỏ lẻ, chưa có những dự án trọng điểm có sức lan tỏa lớn. Thiếu các cơ chế ưu đãi đặc thù về đất đai, tài chính và thuế dẫn đến những khó khăn trong thu hút đầu tư.
Từ thực trạng đó, chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực tháo gỡ những khó khăn nhằm tạo động lực phát triển kinh tế cửa khẩu. Trong đó, việc cải thiện kết nối hạ tầng giao thông được xác định là giải pháp then chốt. Đáng chú ý, dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (kết nối với cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ) được khởi công từ tháng 5/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ góp phần giảm tải cho Quốc lộ 2, rút ngắn thời gian di chuyển từ cửa khẩu đến các trung tâm kinh tế lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.
Tỉnh cũng đang xây dựng cầu nối từ Quốc lộ 2 sang bờ đông sông Lô, khu vực thôn Pha Hán (xã Thanh Thủy), đồng thời thực hiện quy hoạch phân khu để mở rộng quỹ đất trong khu kinh tế. Những giải pháp này sẽ tạo điều kiện để thu hút các dự án đầu tư lớn, có giá trị gia tăng cao, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất và đóng góp cho ngân sách.
Về chính sách, các sở, ngành đã nghiên cứu đề xuất các chính sách đặc thù để thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng. Cùng với đó, việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của khu kinh tế đang được đẩy mạnh nhằm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh, Phó Đội trưởng Hải quan Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy cho biết, những năm trước, Hội xuất nhập khẩu của tỉnh đã được thành lập. Tuy nhiên hiện nay hội này hoạt động chưa hiệu quả. Do đó, thời gian tới, tỉnh cần quan tâm duy trì hoạt động của Hội xuất nhập khẩu nhằm làm đầu mối trao đổi thông tin với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phía Trung Quốc để các doanh nghiệp trong nước nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động trong hoạt động xuất, nhập khẩu ■