Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Cả nước trồng hơn 1,3 triệu ha cây ăn quả

Ngày 18/7, tại tỉnh Phú Thọ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Diễn đàn "khuyến nông @ nông nghiệp" phát triển sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, năm 2024 diện tích cây ăn quả cả nước đạt hơn 1,3 triệu ha, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 414 nghìn, chiếm 32%, vùng trung du và miền núi phía bắc có 275 nghìn ha, chiếm 21%.

Để nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người dân từ trồng cây ăn quả, nhiều giống mới được chọn tạo chuyển giao vào sản xuất như: vải, nhãn, cam, dứa, xoài… Các giải pháp kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến, thích ứng biến đổi khí hậu cùng với thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chứng nhận VietGAP, hữu cơ đã và đang được thực hiện phổ biến.

Bên cạnh đó, hiện nay cả nước có 8.086 mã số vùng trồng và 1.597 mã cơ sở đóng gói các loại quả tươi xuất khẩu sang những thị trường như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ Bùi Duy Linh: “Hiện nay, toàn tỉnh có diện tích cây ăn quả gần 36 nghìn ha, trong đó cây có múi (bưởi, cam, quýt) 16 nghìn ha, chuối 6,7 nghìn ha, nhãn, vải 3,7 nghìn ha... Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất, đánh giá lợi thế và nhu cầu thị trường, tỉnh đã quan tâm phát triển cây ăn quả đặc sản, có giá trị cao như: bưởi Đoan Hùng, Tân Lạc, cam Cao Phong, hồng không hạt Gia Thanh, Hạc Trì… Đến nay, trên địa bàn hình thành nhiều vùng cây ăn quả tập trung, tạo tiền đề cho việc xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”.

Ngoài ra, đến nay tỉnh Phú Thọ đã cấp 67 mã số vùng trồng chuối, trong đó có 13 mã số phục vụ xuất khẩu với diện tích 357,7ha; 54 mã số phục vụ nội tiêu với diện tích 519ha và 3 cơ sở được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, EU. Trong năm 2024, cơ sở đóng gói đã xuất khẩu hơn 2.900 tấn quả chuối tươi sang thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia thiết lập rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt đối với nông sản nhập khẩu. Chính vì vậy, việc sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo quy trình GAP, có mã vùng trồng… là điều kiện cần thiết để nông sản Việt Nam nói chung, cây ăn quả nói riêng xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bên cạnh đó, trong nước nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng cũng trở nên cấp thiết, đã và đang thúc đẩy sản xuất cây ăn quả ở các địa phương theo quy trình VietGAP, GlobalGAP...

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng: “Phát triển sản xuất cây ăn quả phục vụ nội tiêu và xuất khẩu còn nhiều tiềm năng do chúng ta đang xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, tập trung. Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, để thâm nhập vào các thị trường mới cần quan tâm đến các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc”.

Còn Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng, cần tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về quy định của nước nhập khẩu; tăng cường kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định; truyền thông về các nguy cơ dư lượng kim loại nặng trong quy trình sản xuất nông sản; tuyên truyền, phổ biến yêu cầu của các nước nhập khẩu đối với nông sản đến các chủ vườn; thực hiện tốt các yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Xem thêm