Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia Cao Bằng xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất sản phẩm trà cao cấp, kết hợp du lịch sinh thái đạt hiệu quả tốt.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia Cao Bằng xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất sản phẩm trà cao cấp, kết hợp du lịch sinh thái đạt hiệu quả tốt.

Xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng cao

Tỉnh Cao Bằng hiện có 173 sản phẩm OCOP 3 và 4 sao; trong đó, 11 sản phẩm OCOP 4 sao đã xuất khẩu ra nước ngoài.

Các sản phẩm OCOP đứng vững, được khách hàng tại thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, ưa chuộng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân và chủ thể sản xuất, đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Phát triển bền vững các sản phẩm OCOP

Phần lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống, nhiều sản phẩm chất lượng cao, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng như trà Kolia, miến dong Tân Việt Á, thạch đen của nhiều cơ sở chế biến...

Công ty trách nhiệm hữu hạn Kolia ở xã Thành Công, sở hữu hai thương hiệu trà OCOP 4 sao là Danh Trà và Đỉnh Trà. Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, năm 2013, các sản phẩm trà của công ty bắt đầu có mặt trên thị trường, phục vụ khách hàng trong nước; đến năm 2019, sản phẩm được xuất khẩu. Từ năm 2024 đến nay, công ty đã xuất khẩu hơn một tấn trà sang thị trường Trung Quốc, doanh thu hơn một tỷ đồng, giá bình quân khoảng một triệu đồng/kg trà.

Chia sẻ về quy trình sản xuất sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong xuất khẩu, ông Hoàng Mạnh Ngọc thông tin thêm: Cây chè được trồng tại độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; đồng thời được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ. Công ty sử dụng chế phẩm chiết xuất từ quả ớt, củ tỏi, lá xoan để phun phòng, chống sâu bệnh. Bên cạnh việc xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp, thu hút khách hàng, quy trình chế biến các sản phẩm trà của công ty được các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tư vấn, hướng dẫn, nên đã đáp ứng được “gu” uống trà của khách hàng “khó tính” trong và ngoài nước.

Bắt đầu đi vào sản xuất, xây dựng thương hiệu từ năm 2017, đến năm 2023, sản phẩm miến dong Tân Việt Á của Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á ở xã Minh Tâm, đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước. Từ đầu năm 2025, miến dong Tân Việt Á đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ thông qua đối tác ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ông Trần Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á cho biết: Để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác xã đã đầu tư hệ thống máy móc, nhà xưởng đáp ứng yêu cầu sản xuất và bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Thí dụ, trong dây chuyền sản xuất, các máy lọc bột dong công suất lớn đã giúp hợp tác xã nâng cao công suất chế biến và chất lượng sản phẩm miến dong nhờ tinh lọc được tạp chất, hạt sạn còn tồn tại sau quá trình sơ chế dong, tinh lọc bột dong.

Tăng cường xúc tiến thương mại điện tử

Chia sẻ về nhiệm vụ hỗ trợ, “chắp cánh” cho các sản phẩm OCOP tại Cao Bằng vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nông Thanh Mẫn cho biết: Những năm qua, ngành chuyên môn, các địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tư vấn hỗ trợ về thiết kế bao bì, mẫu mã và hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng, hoàn thiện hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP. Điều đáng mừng, các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đều được tiêu thụ tốt hơn và gia tăng giá trị, doanh thu, lợi nhuận.

Trước thực tế một số chủ thể sản xuất phản ánh việc gặp khó khăn, hạn chế trong tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tăng cường hỗ trợ các chủ thể sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến khách hàng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh việc tổ chức các hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại địa phương, sở cũng giới thiệu các chủ thể sản xuất tham gia hội chợ tại các địa phương trong cả nước để tiếp cận khách hàng tại nhiều vùng, miền. Để bắt kịp xu thế chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. “Chúng tôi tập trung hỗ trợ chủ thể sản xuất đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; xây dựng tài khoản, trang mạng xã hội quảng bá sản phẩm, bán hàng; hướng dẫn livestream bán sản phẩm OCOP trên mạng xã hội...”, ông Nông Thanh Mẫn cho biết.

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, một số sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng vẫn còn ở dạng sơ chế, chưa có nhiều sản phẩm dược liệu hoặc sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Nhiều chủ thể sản xuất là hộ kinh doanh nhỏ lẻ; tỷ lệ hợp tác xã và doanh nghiệp là chủ thể sản xuất (có điều kiện về vốn, kinh nghiệm sản xuất và điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất) chưa nhiều. Xác định rõ một số hạn chế, tỉnh Cao Bằng xác định tiếp tục tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP chất lượng cao, được thị trường chấp nhận và ưa chuộng. Qua đó, các chủ thể sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp và người dân sẽ là trung tâm sáng tạo và thụ hưởng thành quả mang lại ■

Xem thêm