Người Tày ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai với tiết mục múa khăn. Ảnh: VĂN HỌC
Người Tày ở thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai với tiết mục múa khăn. Ảnh: VĂN HỌC

Từ những hạt nhân đội văn nghệ thôn, bản

Hàng trăm câu lạc bộ, đội văn nghệ được Lào Cai gây dựng thành công ở các thôn, bản không chỉ góp phần gìn giữ mà còn tiếp nối những nét đẹp văn hóa độc đáo lâu đời của bà con, tạo nên sức thu hút riêng có của miền núi phía bắc.

Huyện Bắc Hà (cũ) còn được gọi là vùng “cao nguyên trắng”, nổi tiếng với loài hoa mận trắng đẹp mê hồn vào mùa xuân. Không chỉ vậy, nơi đây còn có nhiều cảnh đẹp mà chính người dân đang góp phần làm tăng thêm giá trị. Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hồng Mi (xã Bắc Hà mới) với 20 thành viên là những bạn trẻ nhiệt huyết, với sự hướng dẫn của các nghệ nhân người H’Mông giàu kinh nghiệm, đã được đông đảo khách thập phương đón nhận. Từ năm 2019 đến nay, câu lạc bộ đã có hàng trăm lần biểu diễn phục vụ khách du lịch cũng như những hội nghị, hội thảo tại địa phương.

Anh Giàng A Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ dân gian Hồng Mi chia sẻ: Thành viên câu lạc bộ là những người trẻ, chưa được học qua trường lớp chuyên nghiệp, nhưng các thành viên luôn tích cực tập luyện để có những tiết mục đặc sắc phụ vụ du khách. Khách đến xứ núi này ngày càng đông và chúng tôi có thêm nhiều cơ hội biểu diễn tại sân khấu chợ đêm Bắc Hà.

Người dân tộc Tày ở các thôn Na Lo, Tà Chải, Na Kim (xã Bắc Hà) có điều kiện phát triển du lịch homestay từ rất sớm. Từ hàng chục năm qua, múa xòe trở thành nét đẹp văn hóa, tinh thần độc đáo của bà con. Mỗi khi khách đến tham quan đều được hòa mình cùng điệu xòe mê say, được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của cư dân nông nghiệp, hay tìm hiểu, khám phá

những nét đẹp bản sắc văn hóa địa phương... Người Tày ở Bắc Hà có 12 điệu xòe, gồm sáu điệu có nhạc đệm trống, chiêng và sáu điệu nhạc đệm kèn, trống. Theo thời gian, người Tày nơi đây lại tiếp tục cho ra đời những điệu mới, như xòe đan sao, hái chè, trồng đậu, mời rượu... Sự ra đời của các điệu mới góp phần giúp kho tàng nghệ thuật xòe ngày càng thêm phong phú.

Hát then từ lâu trở thành “điệu hát thần tiên” của người Tày, nhiều xã của tỉnh Lào Cai ngày nay còn giữ được nhiều điệu hát tuyệt đẹp. Nghệ nhân Hoàng Sín Phìn, xã Hòa Mạc, nay thuộc xã Văn Bàn cho biết, lễ hội hát then thường được tổ chức vào những dịp lễ cầu tài, cầu lộc. Ở đó, các nhóm, câu lạc bộ thì mặc trang phục truyền thống, hòa trong các điệu nhảy, múa và có âm nhạc phụ họa. Nghệ nhân ưu tú Lâm Quang Cửa, người có nhiều năm nghiên cứu Then của người Tày và truyền dạy cho nhiều lớp bạn trẻ, tâm sự: Lào Cai có các điệu xòe then độc đáo, không giống những nơi khác. Khi bước vào diễn xòe, giai điệu, âm thanh của đàn tính dứt khoát và mạnh mẽ, các điệu múa uyển chuyển và có tiết tấu vô cùng đa dạng, tạo nên sự hấp dẫn riêng biệt.

Những năm qua, tỉnh Lào Cai quan tâm công tác hỗ trợ, nhân rộng các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản. Đặc biệt, Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND, ngày 9/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ được hỗ trợ đã tích cực học hỏi, rèn luyện, giao lưu, thậm chí lưu diễn ở nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Nghệ nhân Bàn A Ton (xã Bảo Nhai mới) chia sẻ: Nhờ sự động viên, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng, những người có công gìn giữ, phát triển nghệ thuật truyền thống của các thôn, bản được ghi nhận. Đó là điều giúp người làm công tác văn hóa được tiếp thêm động lực trong việc truyền dạy, gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của tỉnh nhà.

Xem thêm