Cán bộ Biên phòng Đồn Pa Ủ (tỉnh Lai Châu) hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả trên đất dốc.
Cán bộ Biên phòng Đồn Pa Ủ (tỉnh Lai Châu) hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Người La Hủ dưới nếp nhà nghĩa tình

Với đồng bào nghèo vùng biên giới tỉnh Lai Châu, giấc mơ có một căn nhà kiên cố đang dần được hiện thực hóa qua chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Ở vùng biên giới xa xôi của Lai Châu có một dân tộc tên là “Xá Lá Vàng”. Trước đây, cuộc sống của họ gắn với những chuỗi ngày du canh, du cư, từ ngọn núi này sang khu rừng khác. Đi đến đâu, họ dựng lều, lợp lá và sống tạm bợ trong đó. Khi lá trên lều úa vàng, củ mài, củ sắn cũng đã đào hết... họ lại rời đến khu vực khác. Cái tên “Xá Lá Vàng” là cách gọi khác đối với người La Hủ.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người La Hủ nói riêng ổn định cuộc sống. Nhờ đó, người La Hủ đã hạ sơn, xây làng lập bản và tập trung sinh sống chủ yếu ở các xã biên giới như: Bum Nưa, Bum Tở, Pa Ủ và Thu Lũm.

Thế nhưng, dù định canh, định cư đã lâu, cái nghèo vẫn đeo bám. Năm 2021, tỉnh Lai Châu có 2.952 hộ gia đình người La Hủ, thì có tới 2.636 hộ nghèo (chiếm 89,3%).

Gần đây nhất, theo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số lần thứ 3 (năm 2024), tỷ lệ nhà tạm trong đồng bào dân tộc La Hủ ở Lai Châu chiếm tới 67% tổng số hộ.

Tại xã biên giới Pa Ủ - nơi có hơn 90% số người La Hủ sinh sống, Trung tá Cao Văn Quý - Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết: “Người La Hủ chủ yếu sinh sống ở nơi đồi, núi dốc, nên họ thường canh tác lúa nương, mỗi năm một vụ, năng suất thấp. Ngoài ra, hạ tầng còn thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, nhiều hủ tục tồn tại, gây ảnh hưởng an ninh trật tự, đời sống của người dân”.

Tuy nhiên, Pa Ủ hôm nay đã dần đổi khác. Những nương lúa, nương ngô, vườn cây ăn quả xanh mướt triền đồi. Nhiều mái nhà mới san sát dọc theo các tuyến đường liên xã, liên bản. Con đường vào bản Pha Bu (xã Pa Ủ) nay đã rải bê-tông, dễ đi hơn hẳn.

Khắp bản làng là không khí nhộn nhịp, khi người dân cùng nhau góp sức, hoàn thiện những căn nhà cuối cùng từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Bản Pha Bu hiện có 106 hộ gia đình đều là người La Hủ. Từ năm 2024 đến nay, cả bản có tới 50 hộ được hỗ trợ làm nhà ở. Trong đó, 12 căn nhà xây và 27 nhà tôn lắp ghép đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang nằm ở giữa bản, anh Pờ Lò Hừ - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pha Bu chia sẻ: Người dân được hỗ trợ làm nhà, từ đó không còn tư tưởng du canh du cư mà tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Ở bản, ngoài trồng lúa, chúng tôi đang nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu, bò, trồng cây dược liệu. Đây là những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, có thể giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

44 tuổi, anh Pờ Lò Hừ đã có 18 năm làm Trưởng bản và 11 năm làm Bí thư Chi bộ bản Pha Bu, đồng thời là người đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Hiện nay, gia đình anh có một cơ ngơi đáng mơ ước với đàn trâu, bò lên đến 100 con, cùng với khoảng hơn 20ha trồng quế và 35ha trồng thảo dược gồm nhân sâm, thảo quả, sa nhân, từ đó cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

“Từ ngày theo bố mẹ về bản định cư, mái nhà đầu tiên là do chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng giúp sức. Sau này, phát triển các mô hình kinh tế, tôi cũng được hỗ trợ rất nhiều từ việc làm chuồng trại, cách chăm bón cây trồng. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, gia đình tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và bộ đội biên phòng lắm”, anh Pờ Lò Hừ chia sẻ.

Khi các chương trình hỗ trợ về với bản làng, Bí thư-Trưởng bản Pờ Lò Hừ luôn tâm huyết đặt vấn đề xóa nhà tạm, nhà dột nát lên hàng đầu. Anh vận động người dân trong bản đoàn kết giúp nhau làm nhà. Dự kiến tháng 7 này, bản Pha Bu sẽ xóa xong nhà tạm, nhà dột nát.

Mục tiêu tiếp theo là xóa đói nghèo. Bí thư-Trưởng bản Pờ Lò Hừ lại vận động người dân khai khẩn đất đai để trồng cây dược liệu, chăn nuôi. Anh hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, và cung cấp giống miễn phí cho các hộ khó khăn. Nhờ đó, cả bản hiện có hơn 200ha trồng thảo dược; gần 160 con trâu, bò và hơn 40 hộ dân từng bước thoát nghèo.

Đứng trước vườn sâm tươi tốt, anh Lỳ Hừ Bơ (bản Pha Bu, xã Pa Ủ) vui mừng chia sẻ: Không nghĩ một ngày gia đình tôi có thể thoát nghèo. Trước đây khổ lắm, được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, người dân với bộ đội thì giúp đỡ ngày công, khiến tôi cảm thấy ấm lòng, bản làng cũng đoàn kết, gắn bó hơn. Sau đó lại được anh Pờ Lò Hừ giúp đỡ trồng và chăm sóc các loại cây thảo dược. Bây giờ chỉ cần chăm chỉ làm ăn là cuộc sống sẽ khấm khá.

Không chỉ bản Pha Bu, nhiều bản làng của người La Hủ cũng đang dần đổi thay. Những nếp nhà vững chãi như mang đến luồng sinh khí mới, góp phần thay đổi nhận thức, cách nghĩ của đồng bào.

Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu khẳng định: “Sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng nhà đại đoàn kết cho đồng bào nghèo ở khu vực biên giới là nhiệm vụ quan trọng. Vừa qua, đơn vị đã huy động 687 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia 1.193 ngày công giúp nhân dân làm nhà.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cũng huy động gần 700 triệu đồng từ các nguồn ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát khu vực biên giới. Qua đó, người dân có ngôi nhà vững chắc để ở, yên tâm tư tưởng gắn bó với biên giới và cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ”.

Xem thêm