Theo đó, từ ngày 1/7 đến 31/12/2025, người dưới 35 tuổi vay mua nhà ở xã hội được hưởng lãi suất 5,9%/năm. Mức lãi suất 5,9%/ năm cũng được áp dụng đối với người mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ thuộc diện cải tạo. Với chủ đầu tư dự án, lãi suất áp dụng là 6,4%/năm.
Đây là một trong những chính sách đột phá của NHNN nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 201/2025/ QH15 ngày 29/5 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2025/NĐ-CP tạo khung pháp lý đồng bộ về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, mức lãi suất 5,9%/ năm phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập trung bình, nhất là người trẻ mới khởi nghiệp. Song, chừng đó đủ để hiện thực hóa giấc mơ “an cư” của họ hay chưa vẫn là bài toán chưa có câu trả lời. Nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất thấp dành cho người dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội. NHNN đã triển khai một số chương trình tín dụng cho vay dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ,... nhưng kết quả chưa như kỳ vọng.
Dù chính sách lãi suất ưu đãi rõ ràng, nguồn vốn dồi dào (tổng quy mô gói tín dụng lên tới 145.000 tỷ đồng), nhưng đến cuối tháng 4/2025, kết quả giải ngân mới đạt 3.866 tỷ đồng, tương đương 2,6% tổng quy mô. Đến ngày 30/4/2025, mới có 38/63 địa phương (theo địa giới hành chính cũ) công bố danh mục hơn 100 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện; trong đó, 53 dự án chủ đầu tư đã được vay vốn, 28 dự án không có nhu cầu vay, còn 19 dự án đang thẩm định hồ sơ.
Mức lãi suất hợp lý là căn cứ tiên quyết giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó kéo giảm giá thành, tạo điều kiện cho người dân dễ tiếp cận nhà ở hơn. Nhưng chính sách tín dụng khó phát huy hiệu quả nếu các nút thắt trong quy trình đầu tư, thủ tục hành chính và quỹ đất chưa được tháo gỡ. Các chuyên gia đánh giá, không thể kỳ vọng giải ngân nhanh nếu thiếu cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp. Do vậy, cần giảm thời gian phê duyệt dự án, ưu tiên quỹ đất sạch, tăng tính hấp dẫn trong tính toán lợi nhuận đầu tư để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Để khơi thông dòng vốn, NHNN đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá nhu cầu của người dân để có định hướng phát triển nhà ở phù hợp; rà soát kỹ các dự án để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội; phối hợp với các cơ quan xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn tín dụng cụ thể đối với từng dự án nhà ở xã hội theo từng năm để các ngân hàng thương mại chủ động cân đối vốn,...
Đáng chú ý, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia đang được các chuyên gia ủng hộ, nhằm bảo đảm nguồn lực tài chính ổn định, lâu dài và độc lập với nguồn tín dụng thương mại. Quỹ này có thể đóng vai trò điều phối vốn, bảo lãnh tín dụng, đầu tư hạ tầng và tạo nền tảng phát triển đồng bộ cho thị trường nhà ở xã hội.