Biến đổi khí hậu, già hóa dân số và số hóa là ba vấn đề chính ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế của các hộ gia đình, người tiêu dùng hiện nay. Nhận thức rõ các tác động đó, trong hai ngày 9-10/7, nhiều nội dung xoay quanh vấn đề trên đã được các chuyên gia, nhà khoa học cùng bàn luận và phân tích sâu rộng tại Hội thảo quốc tế lần thứ 15 của Hiệp hội Kinh tế gia đình và người tiêu dùng châu Á (ACFEA).
Với chủ đề “Các vấn đề kinh tế mà người tiêu dùng và gia đình đương đại phải đối mặt: biến đổi khí hậu, già hóa dân số và số hóa”, hội thảo đã xây dựng một chương trình có chiều sâu học thuật và tính thực tiễn cao.
Đây là lần đầu tiên hội thảo của Hiệp hội Kinh tế gia đình và người tiêu dùng châu Á diễn ra tại Việt Nam. Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức sự kiện.
Chương trình không chỉ là diễn đàn học thuật quốc tế uy tín, mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam khẳng định năng lực nghiên cứu, phản biện và kết nối tri thức trong khu vực.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Hội thảo quy tụ hơn 100 diễn giả quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ... Đây đều là những nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học hàng đầu châu Á, cũng như thế giới".
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã trình bày tham luận và tiến hành phản biện về các chủ đề trọng tâm: biến đổi khí hậu và tác động đến hành vi tiêu dùng, sinh kế, chi tiêu gia đình; già hóa dân số và những hệ lụy về tài chính, chăm sóc, tiêu dùng, phúc lợi; số hóa trong bối cảnh tiêu dùng, tài chính cá nhân và dịch vụ gia đình; thách thức tài chính trong bối cảnh bất ổn kinh tế khu vực và toàn cầu.
Trục nội dung chính của hội thảo không chỉ phản ánh những xu hướng toàn cầu, mà còn cho thấy các tác động trực tiếp đến cấu trúc xã hội, mô hình phát triển kinh tế-xã hội và phúc lợi của người dân ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó, có Việt Nam.
Trình bày tham luận “Trí tuệ nhân tạo và tài chính tiêu dùng”, Tiến sĩ Jing Jian Xiao, Khoa Phát triển con người và khoa học gia đình, Đại học Rhode Island (Hoa Kỳ) đã phân tích vai trò ngày càng gia tăng của AI (trí tuệ nhân tạo) trong quản lý tài chính cá nhân, hành vi tiêu dùng và cung cấp dịch vụ tài chính. Đây là chủ đề được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Nhìn từ góc độ tác động của già hóa dân số, Tiến sĩ Rui Yao, Khoa Nông nghiệp, thực phẩm và tài nguyên thiên nhiên, Đại học Missouri (Hoa Kỳ) cho rằng, vẫn còn những thách thức trong việc thúc đẩy phúc lợi cho các cá nhân, hộ gia đình giữa bối cảnh việc dân số già hóa diễn ra nhanh chóng.
Trước tình trạng này, Tiến sĩ Rui Yao cũng đã đề xuất các chiến lược và chính sách cần thiết nhằm bảo đảm an sinh và khả năng thích ứng cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
"Trong hai ngày diễn ra hội thảo, hơn 70 bài tham luận đã được trình bày, phản biện. Các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp, khuyến nghị về chính sách để giúp hộ gia đình, hộ kinh doanh và người tiêu dùng có được những phúc lợi tốt hơn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Khôi thông tin thêm.
Kể từ năm 1995, các hộ gia đình, người tiêu dùng châu Á đã đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế thay đổi do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tài chính, toàn cầu hoá, tiến bộ công nghệ, chi phí sinh hoạt gia tăng, chuyển đổi số, già hoá dân số và biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở ấy, Hiệp hội Kinh tế gia đình và tiêu dùng châu Á (ACFEA) được thành lập và tổ chức hội thảo 2 năm/lần nhằm thúc đẩy trao đổi nghiên cứu, hướng tới tăng trưởng bền vững và công bằng xã hội. Qua đó, đóng góp vào sự tiến bộ trong học thuật, cũng như cải thiện chính sách, giúp giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế và thúc đẩy phúc lợi của các hộ gia đình, người tiêu dùng.