Chuyên gia hướng dẫn các phóng viên thực hành sơ cấp cứu cho nạn nhân.
Chuyên gia hướng dẫn các phóng viên thực hành sơ cấp cứu cho nạn nhân.

Tăng cường vai trò của báo chí trong phòng, chống thiên tai thời kỳ chuyển đổi số

Trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp và truyền thông số phát triển mạnh, báo chí ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phòng, chống thiên tai. Không chỉ truyền tải thông tin kịp thời, báo chí còn góp phần định hướng dư luận, nâng cao năng lực ứng phó cộng đồng.

Tại chương trình tập huấn do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức ngày 10/7, các chuyên gia và nhà báo đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, bảo đảm an toàn tác nghiệp trong thiên tai, góp phần lan tỏa thông tin tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tin giả, sai lệch.

Báo chí là lực lượng ứng cứu thông tin tuyến đầu

Chương trình tập huấn kỹ năng tác nghiệp an toàn trong thiên tai do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức ngày 10/7 tại tỉnh Phú Thọ quy tụ đông đảo phóng viên, nhà báo chuyên trách về lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Đây là hoạt động thiết thực nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng tác nghiệp và củng cố nhận thức về vai trò xung kích của báo chí trong công tác này.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, khẳng định: Báo chí đã và đang là kênh truyền thông chủ lực trong truyền tải cảnh báo, hướng dẫn ứng phó, đồng hành cùng chính quyền và người dân khi xảy ra thiên tai. Báo chí không chỉ phản ánh kịp thời diễn biến bão lũ, sạt lở mà còn góp phần hiệu quả trong định hướng dư luận, lan tỏa tinh thần sẻ chia và thúc đẩy hành động tại chỗ.

ong-tien-3198.jpg
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phát biểu tại buổi tập huấn.

Cùng quan điểm, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số, vai trò của báo chí trong phòng, chống thiên tai càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, đi cùng cơ hội là thách thức không nhỏ từ tình trạng lan truyền tin giả, thông tin xấu độc, gây hoang mang dư luận.

Thống kê từ Cục Báo chí cho thấy, từ ngày 1/1 đến 10/7/2025, có 46.318 tin, bài về phòng, chống thiên tai từ 392 cơ quan báo chí, với hơn 11,88 tỷ lượt tiếp cận. Trong đó, 71,31% tin bài mang sắc thái tích cực. Tuy nhiên, các thời điểm có mức độ lan tỏa mạnh cũng là lúc tin giả, thông tin nhiễu loạn có thể bùng phát, gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác ứng phó và dư luận xã hội.

Ông Lợi nhấn mạnh: “Báo chí cần đẩy mạnh năng lực kiểm chứng, đầu tư hạ tầng số, xây dựng đội ngũ phóng viên chuyên trách và tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, chatbot để bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời và hiệu quả”.

ong-loi-5977.jpg
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chia sẻ tại buổi họp báo.

Đại diện Cục Báo chí cũng cho biết, đơn vị đã tích cực phối hợp các cơ quan chức năng trong việc tổ chức tập huấn, hỗ trợ định hướng nội dung, kịp thời phát hiện, xử lý thông tin sai lệch, bảo đảm môi trường truyền thông lành mạnh, phục vụ hiệu quả mục tiêu phòng, chống thiên tai.

Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và Truyền thông nhấn mạnh: Trong giai đoạn ứng phó thiên tai, báo chí có nhiệm vụ cập nhật liên tục, phát sóng các cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó và phản ánh chỉ đạo của các cấp. Giai đoạn khắc phục, báo chí cần thông tin khách quan về thiệt hại, tuyên truyền chính sách hỗ trợ, hướng dẫn tái sản xuất và rút kinh nghiệm để nâng cao ý thức phòng tránh lâu dài.

ba-ai-4286.jpg
Bà Nguyễn Thị Thúy Ái, Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro thiên tai cộng đồng và Truyền thông nhấn mạnh: Trong giai đoạn ứng phó thiên tai, báo chí có nhiệm vụ cập nhật liên tục, phát sóng các cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó và phản ánh chỉ đạo của các cấp.

Đổi mới tuyên truyền, phân quyền mạnh cho cơ sở

Một nội dung trọng tâm khác tại chương trình tập huấn là vấn đề phân cấp, phân quyền trong công tác phòng, chống thiên tai theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) cho biết: Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trước đây do cấp huyện đảm nhiệm đã được giao về cấp xã.

Theo đó, chính quyền cấp xã sẽ “gánh” thêm 12 nhóm nhiệm vụ, từ chỉ huy hiện trường, quản lý vật tư, lồng ghép phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, đến tổ chức cứu hộ, hỗ trợ khẩn cấp và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến thiên tai.

Ông Hải nhận định, đây là bước chuyển lớn, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và thay đổi tư duy của hệ thống chính trị ở cơ sở, trong bối cảnh thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan và khó lường.

img-0282-4832-5405-8499.jpg
Quang cảnh chương trình tập huấn phòng chống thiên tai.

Song song đó, công tác truyền thông cũng cần được đổi mới mạnh mẽ. Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, nội dung tuyên truyền về thiên tai ở một số cơ quan báo chí còn đơn điệu, thiếu tương tác, chưa thu hút sự quan tâm của người dân. Việc ứng dụng nền tảng số còn hạn chế, đội ngũ làm báo chuyên trách về thiên tai chưa được đào tạo bài bản.

Để khắc phục những hạn chế này, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp: từ việc sản xuất nội dung truyền thông đa định dạng (video, podcast, infographic), thiết lập các kênh truyền thông số hiện đại, đến hợp tác với doanh nghiệp công nghệ nhằm lan tỏa thông tin nhanh chóng và sâu rộng hơn.

anh-t-5173.jpg
Các đại biểu, phóng viên chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Tiến dẫn lại tinh thần của Văn bản số 65-CV/TW ngày 13/6/2025 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, trong đó nhấn mạnh vai trò then chốt của công tác tuyên truyền.

Ông cho rằng, muốn nâng cao chất lượng tuyên truyền, cần đầu tư đồng bộ từ thể chế, nguồn lực đến kỹ năng và công nghệ.

Buổi tập huấn cũng là dịp để các phóng viên chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp thực tế tại hiện trường thiên tai, nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn bản thân và truyền tải thông tin trung thực, có trách nhiệm. Qua đó, từng bước xây dựng đội ngũ làm báo chuyên sâu về thiên tai, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển bền vững, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Cũng trong khuôn khổ chương trình tập huấn Ban Tổ chức đưa phóng viên và các đại biểu đi thực địa tại hai điểm khu tái định cư ổn định dân cư khu vực sạt lở xóm Rài, xã Mường Vang (tỉnh Phú Thọ) và các một số công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Xem thêm