Được xây dựng năm 1992, cầu Chợ đã giúp cho trăm hộ dân 2 thôn Hợp Bàn và Hợp Trung xã Quảng Hợp cũ qua lại mỗi ngày và nối vùng đất nơi thượng nguồn sông Loan với trung tâm xã cũ.
Cầu có chiều dài 117m, rộng gần 5m, với kết cấu khá đơn giản: 2 đầu cầu có 2 trụ bê-tông, cốt thép còn 10 trụ ở giữa được xây bằng đá, không có bê-tông, cốt thép. Chính vì thế, sau thời gian dài sử dụng, cùng với tác động của lũ lụt hằng năm, cầu Chợ đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo quan sát của phóng viên, các trụ cầu đã bị xói mòn, chỉ còn trơ đá và thiếu tính kết dính. Mố cầu 2 bên cũng bị nước cuốn trôi đất đá, tạo thành hố hàm ếch lớn. Các dầm bê-tông chịu tải của mặt cầu bị bong tróc, nhiều chỗ bật sắt ra ngoài. Còn thành cầu đang bị mủn, nhiều đoạn lộ cả sắt han gỉ. Tóm lại, với kết cấu như hiện nay, cầu Chợ tiềm ẩn nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Văn Chuẩn ở gần cầu Chợ cho biết, do cầu xây đã lâu, kết cấu và vật liệu xây dựng đơn giản, qua nhiều thời gian sử dụng nên xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi khi có mưa lũ, chính quyền cấm toàn bộ người qua lại cầu.
Lũ lụt qua đi, người dân chúng tôi lại nhìn thấy thân và trụ cầu lại bị sứt mẻ thêm, nguy cơ sập cầu tăng lên. Biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác, người dân vẫn phải “nín thở” qua lại cầu Chợ để phục vụ cuộc sống.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Trạch Nguyễn Đức Hiền cho biết, xã mới được thành lập trên cơ sở 4 xã là Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Kim và Quảng Hợp. Ngay sau khi thành lập xã Phú Trạch, lãnh đạo xã đã rà soát, nắm bắt tình hình và nhận thấy, một số hạ tầng kỹ thuật, công trình dân sinh trên địa bàn bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó có cầu Chợ ở xã Quảng Hợp cũ.
Hiện địa phương đã cắm biển cấm ô-tô các loại lưu thông qua cầu, chỉ cho phép xe đạp và xe máy. Do cầu đã xuống cấp quá nghiêm trọng, không thể sửa chữa nữa mà phải xây mới.
Tuy nhiên để xây mới cầu cần nguồn kinh phí không nhỏ, trong khi đó, địa phương mới sáp nhập, không đủ nguồn lực để làm cầu mới. Vì vậy, địa phương đang đề nghị tỉnh xem xét, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng cầu mới để người dân đi lại an toàn và phục vụ sản xuất, đời sống ở vùng thượng nguồn sông Loan.