Tỉnh đoàn Gia Lai mới ra quân hỗ trợ người dân tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến và các thủ tục hành chính.
Tỉnh đoàn Gia Lai mới ra quân hỗ trợ người dân tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến và các thủ tục hành chính.

Tuổi trẻ Gia Lai hỗ trợ vận hành chính quyền hai cấp

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vừa phát động lễ ra quân các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền hai cấp. Hưởng ứng lời kêu gọi, tỉnh Gia Lai mới đã triển khai 135 đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân, lan tỏa tinh thần xung kích trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Đồng loạt ra quân

Sau quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Gia Lai mới đang trong giai đoạn hoàn thiện và vận hành mô hình chính quyền hai cấp. Đây là bước chuyển lớn, đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng của bộ máy chính quyền cơ sở, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ công trong bối cảnh mới.

Tại các xã, phường mới thành lập, bộ phận một cửa và Trung tâm Phục vụ hành chính công đang từng bước đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu không ít người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người chưa quen với công nghệ gặp khó khăn khi tiếp cận các thủ tục hành chính số hóa. Trong bối cảnh đó, lực lượng thanh niên tình nguyện trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền, góp phần lấp đầy khoảng trống về kỹ năng, công nghệ và kết nối cộng đồng.

Tại các xã, phường mới sáp nhập thuộc khu vực Bình Định, nay là một phần của tỉnh Gia Lai mới, những hình ảnh đoàn viên thanh niên áo xanh tình nguyện có mặt tại bộ phận một cửa không còn xa lạ với người dân. Mỗi đội hình thanh niên tình nguyện gồm 10-20 đoàn viên, thanh niên, sinh viên, cán bộ trẻ có kỹ năng công nghệ thông tin, am hiểu quy trình thủ tục hành chính và sử dụng thành thạo các nền tảng số.

z6787895011047-64ffc1d01223304049343b6d7cbe0ebf.jpg
Hình ảnh đoàn viên thanh niên nhiệt tình hỗ trợ người dân.

Nhiệm vụ của các đội hình gồm, hướng dẫn mọi người kê khai hồ sơ, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên Hệ thống VNPT iGate tỉnh Gia Lai mới; tạo tài khoản định danh điện tử, tra cứu thông tin trên Cổng dịch vụ công quốc gia, thậm chí hỗ trợ người dân viết tay các biểu mẫu khi cần thiết.

Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, sự xuất hiện của các đội hình thanh niên tình nguyện đã tạo nên sự thay đổi rõ rệt. Người dân không còn e ngại khi tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, những thao tác tưởng chừng phức tạp như đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu kết quả… giờ đây được hướng dẫn tận tình, dễ hiểu, dễ làm.

Ông Nguyễn Văn Phúc (xã Tuy Phước Đông, tỉnh Gia Lai) bày tỏ sự phấn khởi: "Ban đầu tôi thấy dịch vụ công trực tuyến rối rắm, nhưng có mấy cháu thanh niên nhiệt tình chỉ bảo, giờ tôi cũng biết tra cứu thủ tục đất đai, cấp giấy tờ. Làm ở xã nhanh mà không phải xếp hàng lâu. Người dân thấy đoàn viên đến là vui lắm. Không chỉ đưa giấy tờ mà họ chỉ cách làm luôn, từ khai báo y tế, đăng ký thẻ bảo hiểm y tế cho con… ".

Triển khai nhiều mô hình, cách làm hay

Không chỉ hỗ trợ tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, các cơ sở Đoàn còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi hướng dẫn sử dụng dịch vụ công, tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện” và “Ngày chủ nhật xanh” để hỗ trợ người dân làm thủ tục vào cuối tuần. Nhiều nơi còn triển khai mô hình “Đoàn viên đồng hành cùng công dân số”, mỗi đoàn viên phụ trách hỗ trợ một nhóm hộ dân trong thôn, bản.

Đồng chí Phạm Hồng Hiệp, Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai mới cho biết, một trong những mô hình hiệu quả phải kể đến là “Ngày thứ bảy tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính”, nơi thanh niên hỗ trợ tại bộ phận một cửa xã, phường vào dịp cuối tuần. Mô hình “Đoàn viên đồng hành cùng công dân số” giúp người dân tiếp cận quy trình dịch vụ công trực tuyến một cách dễ hiểu.

z6787894976694-8d1795993917fd4b397dd8516364e79f.jpg
Công nghệ không còn là rào cản, mà trở thành công cụ kết nối giữa người trẻ với cộng đồng.

Những “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại địa phương hoạt động như những “điểm kết nối công nghệ” giữa chính quyền và người dân, đặc biệt trong các xã vùng sâu, vùng xa. Gần đây, nhiều nơi còn hình thành đội hình “Bình dân học vụ số”, nơi đoàn viên giúp phổ cập kiến thức số và kỹ năng sử dụng ứng dụng thiết yếu cho người dân không quen công nghệ.

Không chỉ hỗ trợ thao tác, tổ chức đoàn tại các huyện, thị xã còn phối hợp tổ chức các buổi tập huấn chuyển đổi số cộng đồng, truyền thông nâng cao nhận thức về dịch vụ công trực tuyến. Những nội dung tưởng chừng khô khan, khó tiếp thu như quy trình cấp định danh, xử lý hồ sơ hành chính nay được trình bày sinh động, gần gũi, dễ hiểu.

Các buổi tập huấn luôn thu hút đông đảo người dân tham dự, đặc biệt là người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, nhóm đối tượng ít có cơ hội tiếp cận với công nghệ. Việc truyền thông hiệu quả không chỉ giúp hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mà còn tạo ra sự chuyển biến tích cực trong cách người dân tương tác với chính quyền.

Với hơn 2.000 tình nguyện viên đang tích cực hỗ trợ tại các xã, phường, chiến dịch đang tạo nên làn sóng tích cực trong cộng đồng, góp phần đưa tỉnh Gia Lai mới trở thành điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi số cấp cơ sở.

Phong trào “Tuổi trẻ Gia Lai mới đồng hành cùng chính quyền số” không chỉ thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong công cuộc cải cách hành chính, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, gần dân, hiệu quả. Đây cũng là minh chứng cho tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” trong thời đại số hóa.

Xem thêm