Quang cảnh buổi lễ.
Quang cảnh buổi lễ.

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành du lịch Việt Nam: Tự hào quá khứ, vững bước tương lai

Vào năm 1960, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Trong bối cảnh đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, sự ra đời của ngành du lịch là một quyết định táo bạo.

Ngày 9/7, tại phường Quy Nhơn Nam, tỉnh Gia Lai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2025) nhằm ôn lại chặng đường vẻ vang đã qua, tri ân những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành.

Ngày 9/7/1960, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Nghị định số 26/CP về việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại thương. Trong bối cảnh đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, sự ra đời của ngành du lịch là một quyết định táo bạo, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ngành du lịch bước vào giai đoạn mới với việc tiếp quản và phát triển hệ thống du lịch ở các tỉnh phía nam như Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, Côn Đảo… Những trung tâm du lịch tiềm năng này dần được khôi phục, vận hành và trở thành động lực phát triển trong những thập kỷ tiếp theo.

Bước ngoặt lớn của ngành du lịch đến vào năm 1986, khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới. Du lịch từ một ngành phục vụ nội bộ đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế có sức hút đầu tư lớn, tiềm năng tăng trưởng cao và khả năng lan tỏa rộng đến nhiều lĩnh vực khác.

z6787047530237-511f87755be7381937d562ec751ffe9f.jpg
Văn nghệ chào mừng buổi lễ.

Năm 1992, Tổng cục Du lịch được thành lập, đánh dấu sự nâng tầm trong công tác quản lý nhà nước. Hàng loạt chính sách quan trọng được ban hành như: Chỉ thị 46 (1994), Thông báo Kết luận 179 (1998), Pháp lệnh Du lịch (1999), Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch (2000), Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010…

Đặc biệt, năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, một dấu mốc thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng và Nhà nước trong việc đưa du lịch trở thành động lực phát triển quốc gia.

Trong thư chúc mừng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập ngành, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành du lịch Việt Nam cũng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa du lịch trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã thể hiện tinh thần thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo, nhanh chóng tái thiết hoạt động, phục hồi mạnh mẽ và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu tăng trưởng. Đồng thời, ngành cũng tham mưu nhiều chính sách quan trọng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Không chỉ đóng góp về kinh tế, du lịch còn là nhịp cầu hữu nghị, thúc đẩy giao lưu nhân dân và quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thông qua du lịch, các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc được lan tỏa, góp phần nâng cao vị thế và sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế.

z6787047524383-b44713f51ed04d7d838cf5e976b123a5.jpg
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai Đỗ Thị Diệu Hạnh phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế ghi nhận với nhiều giải thưởng danh giá như “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới”, “Điểm đến golf tốt nhất châu Á”…

Những thành tựu ấy là kết quả của sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ ngành du lịch, sự đồng hành của doanh nghiệp, báo chí và sự ủng hộ của nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Từ ngày 1/7/2025, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Gia Lai mới chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Bình Định và Gia Lai. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới, toàn diện và sâu rộng cho vùng đất giàu bản sắc văn hóa, tài nguyên du lịch và khát vọng vươn lên.

h4.jpg
Tỉnh Gia Lai mới sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đặc sắc.

Với lợi thế “rừng vàng, biển bạc”, Gia Lai sở hữu hệ sinh thái du lịch phong phú: từ du lịch biển nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn, Kỳ Co-Eo Gió đến du lịch sinh thái, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, khám phá đại ngàn Kon Ka Kinh, Biển Hồ, thác Phú Cường… Hệ thống giao thông đồng bộ với cảng biển, sân bay, cao tốc, cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi để kết nối liên vùng, mở rộng thị trường và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu.

Dư địa phát triển du lịch của tỉnh rất lớn, không chỉ về tài nguyên mà còn ở khả năng hình thành các chuỗi giá trị: từ nông nghiệp kết hợp du lịch, du lịch thông minh đến phát triển các điểm đến đẳng cấp quốc tế. Đây là cơ hội để du lịch Gia Lai vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực.

Xem thêm