Những vốn quý tạo sự khác biệt
Sau hợp nhất, Gia Lai có gì khác? Câu trả lời có thể bắt đầu từ những con số, nhưng điều khiến người ta nhớ lâu hơn là cách vùng đất này kết nối trải nghiệm từ rừng đến biển, từ bản làng cồng chiêng đến phố biển hiện đại, từ di sản Tây Sơn đến tháp Chăm cổ kính.
Nếu như tỉnh Gia Lai (cũ) có hệ sinh thái rừng nguyên sinh, những thác nước kỳ vĩ, hồ tự nhiên và văn hóa cồng chiêng vô cùng đặc sắc thì Bình Định (cũ) lại sở hữu những bãi biển trong xanh, nhiều di tích văn hóa-lịch sử Chăm pa độc đáo cùng nền ẩm thực phong phú. Do vậy, sự kết hợp của hai vùng đất này được kỳ vọng sẽ tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước.
Từ lâu, cao nguyên Gia Lai đã nổi tiếng là điểm đến lý tưởng cho du lịch khám phá với Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, thác K50 (từng được The Local Vietnam xếp thứ 2 trong tốp 10 thác nước đẹp nhất Việt Nam)… thu hút đông đảo du khách. Ngoài ra, Gia Lai còn có những điểm đến đẹp khác như Biển Hồ, hồ Ayun Hạ, núi lửa Chư Đăng Ya…, tạo nên bức tranh Tây Nguyên hùng vĩ của một hệ sinh thái tự nhiên, đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc Jrai, Bana.
Trong khi đó, Bình Định - nơi được mệnh danh là vùng “đất võ, trời văn” nổi tiếng với những bãi biển đẹp như tranh vẽ, có sức mê hoặc du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Bãi biển Kỳ Co được ví như “Maldives của Việt Nam”, Eo Gió là một trong những nơi ngắm bình minh đẹp nhất khu vực miền trung.
Bên cạnh đó, Bình Định cũng có hệ thống tháp Chăm cổ kính, các di tích Tây Sơn hào hùng để tạo nên một không gian du lịch biển đặc sắc.
Cùng với đó, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, biểu tượng của Gia Lai (cũ) sẽ không bị lãng quên mà được nâng tầm khi kết nối với di tích tháp Chăm, võ cổ truyền Bình Định, các lễ hội đặc sắc như Chùa Bà-Nước Mặn, hoa dã quỳ Chư Đăng Ya… Các giá trị văn hóa phi vật thể không chỉ được bảo tồn, mà còn bắt đầu “sống trong đời thực” qua sản phẩm du lịch cộng đồng, tour lễ hội tâm linh, trải nghiệm.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đang xây dựng kế hoạch bảo tồn kết hợp phát triển, thí dụ như đề án thí điểm cho thuê dịch vụ gắn với các di tích nổi bật, tạo cơ hội để du lịch “sống” cùng di sản.

Đã đủ tiềm lực để bứt tốc
Có thể nói, tỉnh Gia Lai mới được thiên nhiên hào phóng trao tặng hệ sinh thái du lịch “hiếm có khó tìm” khi kết hợp rừng nguyên sinh, biển xanh dài hơn 130km cùng những thác nước, hồ tự nhiên, núi lửa cổ, các vườn quốc gia, điểm tâm linh, di tích lịch sử và hệ thống resort, khách sạn ven biển.
Với hàng loạt ưu thế đó, các tuyến du lịch liên vùng đang được mở rộng, tour “Lên rừng-Xuống biển” không còn là ý tưởng, mà thành sản phẩm thực tế cho du khách thích dịch chuyển theo mùa, theo cảm hứng.
Nửa đầu năm 2025, toàn tỉnh đã đón gần 7,4 triệu lượt khách, phần lớn đến từ khu vực Bình Định, nhưng vùng Tây Nguyên cũ cũng ghi nhận tăng trưởng đáng kể khi có 890 nghìn lượt khách ghé thăm, tạo tiền đề phát triển dịch vụ đa tầng. Ngành du lịch phấn đấu năm 2025 đón 11,8 triệu lượt khách, tăng 12% so với năm 2024, doanh thu du lịch ước đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2024. Đến năm 2030, phấn đấu đón được 18,5 triệu lượt khách, trong đó có 1,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 17,4 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Do vậy, du lịch tiếp tục được xác định là một trong 5 trụ cột tăng trưởng trong thời gian tới với định hướng phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế biển, sinh thái núi rừng, di sản văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Chămpa. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng các tuyến du lịch kết nối Đông-Tây, tạo chuỗi dịch vụ du lịch khép kín; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với hệ thống hạ tầng, dịch vụ hiện đại, chất lượng cao.
Trong kỷ nguyên số, ngành du lịch tỉnh Gia Lai mới cũng xác định sử dụng nền tảng số để quản lý lượng khách, đặt vé, hướng dẫn thông minh, quảng bá điểm đến qua các ứng dụng smartphone. Phát triển bản đồ du lịch số, ứng dụng AR/VR để nâng cao trải nghiệm du khách mà không gây áp lực lên tài nguyên. Để làm được việc này, việc tăng cường đào tạo kỹ năng cho hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ, cộng đồng dân cư về du lịch bền vững, ứng xử văn minh, tôn trọng văn hóa địa phương là điều rất cần thiết.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai mới cho biết, ngành du lịch đang xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, tập trung vào các sản phẩm đặc trưng, bền vững và có chiều sâu. Hiện Sở đang hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Với sự cộng hưởng từ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tỉnh Gia Lai mới kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang từng bước chuyển mình trong kỷ nguyên mới, tỉnh Gia Lai có nhiều cơ hội để hình thành một mô hình phát triển du lịch, dựa trên khai thác tài nguyên, gắn với bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng địa phương.