Mục tiêu và quy mô phát triển
Theo quy hoạch, đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Thanh Hóa dự kiến đạt từ 71,65 triệu tấn đến 86,15 triệu tấn, trong đó hàng container từ 0,07 triệu TEU đến 0,2 triệu TEU. Tầm nhìn đến năm 2050, lượng hàng hóa tiếp tục tăng trưởng bình quân 3,6-4,5%/năm.
Về hạ tầng, hệ thống cảng bao gồm từ 20-24 bến cảng với 57-65 cầu cảng, tổng chiều dài đạt khoảng 11.386 m đến 13.526 m, chưa kể các bến phao, khu neo chờ, tránh trú bão.
Các khu bến trọng điểm
Cảng biển Thanh Hóa được quy hoạch với nhiều khu bến chính như Nam Nghi Sơn, Bắc Nghi Sơn, đảo Hòn Mê, Quảng Nham-Hải Châu, Lạch Sung, Lệ Môn -Quảng Châu. Trong đó:
Nam Nghi Sơn sẽ có từ 11-12 bến cảng, tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, hàng hóa thông qua đạt 43,25-53,5 triệu tấn.
Bắc Nghi Sơn phát triển từ 4–6 bến cảng, với trọng tâm là các bến phục vụ nhà máy lọc hóa dầu, xi măng, nhiệt điện, dự kiến tiếp nhận từ 14,45-17,45 triệu tấn.
Hòn Mê bố trí các bến phao và khu neo chuyển tải cho tàu đến 400.000 tấn, phục vụ nhập dầu thô và trung chuyển than, hàng rời.
Ngoài ra, các bến Lệ Môn, Quảng Châu, Quảng Nham-Hải Châu và Lạch Sung cũng được quy hoạch phát triển tương ứng với năng lực tiếp nhận từ 1.000–7.000 tấn.
Hạ tầng hàng hải và giao thông kết nối
Quy hoạch chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống luồng hàng hải công cộng và chuyên dùng tại các khu vực Nghi Sơn, Lệ Môn, Lạch Sung, với luồng cho tàu trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn.
Đồng thời, kết nối cảng với mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường ven biển được đề cao nhằm hình thành chuỗi logistics liên hoàn.
Nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư
Tổng nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 là khoảng 387,5ha và mặt nước khoảng 99.043ha. Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư lên tới hơn 21.906 tỷ đồng, trong đó hơn 17.395 tỷ đồng dành cho phát triển bến cảng và hơn 4.511 tỷ đồng cho hạ tầng hàng hải công cộng.
Các dự án ưu tiên và đơn vị có trách nhiệm thực hiện
Trong giai đoạn tới, các dự án ưu tiên bao gồm đầu tư các bến cảng tại Nam và Bắc Nghi Sơn; nâng cấp luồng hàng hải cho tàu trọng tải lớn; xây dựng hệ thống giám sát giao thông hàng hải (VTS), khu neo trú bão, và bến công vụ phục vụ quản lý chuyên ngành.
Quy hoạch nhấn mạnh việc:
Hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư cảng gắn với khu công nghiệp.
Đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa.
Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, thúc đẩy phát triển cảng xanh, cảng thông minh.
Tăng cường kết nối logistics và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ Xây dựng giao Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam chủ trì công bố, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm cập nhật các quy hoạch địa phương, bố trí quỹ đất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong quá trình đầu tư phát triển hệ thống cảng biển.