Điểm giao dịch của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Yên.
Điểm giao dịch của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Yên.

Giữ “dòng chảy” tín dụng chính sách thông suốt

Bắt đầu từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên thuộc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái được đổi tên thành Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Yên thuộc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai.

Giữa những ngày sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, chúng tôi có chuyến đi sau gần 3 giờ đồng hồ vượt đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai lên Lục Yên - một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái cũ, nay thuộc tỉnh Lào Cai mới để ghi nhận hoạt động tín dụng chính sách.

Nơi đây với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và 3/4 thôn bản nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đã trở thành thách thức lớn đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhưng cũng chính từ những khó khăn đó lại chứng minh rõ hơn sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của những người làm tín dụng chính sách liên tục 22 năm qua cho đến những ngày này khi đất nước bước vào những đổi thay lớn.

Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Yên Dương Quốc Tuấn: Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương. Điều đó được thể hiện bằng dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước luôn được khơi thông, chảy đều đặn về tận các thôn bản đến đúng từng đối tượng thụ hưởng.

Theo số liệu tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên (cũ): đến 30/6, tổng dư nợ đạt hơn 883 tỷ đồng, tăng so đầu năm hơn 40 tỷ đồng, trong đó dư nợ bằng nguồn vốn ngân sách địa phương là 23 tỷ đồng, với hơn 30 nghìn lượt hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn có cơ hội tiếp cận đồng vốn ưu đãi để chủ động kịp vào vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ngay sau ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức hoạt động, bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã, huyện Lục Yên còn 6 xã. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Yên vẫn tiếp tục duy trì mạng lưới hoạt động như trước đây.

Theo đó, Phòng giao dịch thực hiện triển khai công tác tín dụng chính sách tại 6 xã mới và tiếp tục duy trì ổn định 24 điểm giao dịch tại 24 trụ sở Ủy ban nhân dân xã trước đây hoặc ở nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tại thôn, tổ dân phố để bảo đảm việc chuyển tải tín dụng chính sách không bị gián đoạn.

“Dù địa giới hành chính thay đổi, nguyên tắc phục vụ nhân dân vẫn không thay đổi. Giao dịch của chúng tôi từ đầu tháng 7 đến nay được tổ chức đúng lịch, đồng vốn đến tận nơi; bảo đảm quyền lợi của người dân không bị xáo trộn”, ông Dương Quốc Tuấn khẳng định.

img-2797.jpg
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Yên Dương Quốc Tuấn thường xuyên kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại các điểm giao dịch xã.

Đồng thời, đơn vị cũng duy trì hoạt động của 341 Tổ tiết kiệm và vay vốn; thông tin địa chỉ của người dân cũng được ngân hàng tự động cập nhật theo địa bàn xã mới, người dân không cần khai báo lại hay thực hiện bất kỳ thủ tục bổ sung nào.

Ngay trong những ngày đầu sau khi sáp nhập, Phòng giao dịch đã tổ chức hội nghị để ký kết Hợp đồng ủy thác các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tại xã mới về hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tập huấn cho cán bộ hội đoàn thể, bảo đảm đội ngũ tại địa phương nắm vững nghiệp vụ, quy trình tín dụng chính sách. Qua đó, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách một cách thuận lợi nhất để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Không khí phiên giao dịch tại điểm giao dịch đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Tân Lĩnh vẫn diễn ra nhộn nhịp. Đây là một trong 6 xã mới thành lập sau khi hợp nhất 5 xã Minh Chuẩn, Tân Lập, Phan Thạch, Khai Trung và Tân Lĩnh, đồng thời cũng là nơi sinh sống của đông đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mông. Tại điểm giao dịch, các cán bộ, nhân viên phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Yên đang tất bật hỗ trợ người dân đến giao dịch kể từ sau khi sáp nhập và chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động. Đơn vị thực hiện niêm yết thông tin các chương trình tín dụng chính sách, công khai mức lãi suất, dư nợ, cũng như địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng, các thủ tục giải quyết công việc đầy đủ, kịp thời đúng quy định.

img-2798.jpg
Cán bộ tín dụng chính sách thường xuyên bám cơ sở để hướng dẫn người dân sử dụng đồng vốn vay hiệu quả.

Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tại điểm giao dịch, các hoạt động như giải ngân, thu nợ, thu lãi, nhận gửi tiết kiệm của tổ viên, dân cư, thanh toán các khoản phí hoa hồng cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn… diễn ra bảo đảm an toàn, hiệu quả, mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân xã Tân Lĩnh cũng tạo điều kiện về cơ sở vật chất và cử Công an có mặt tại điểm giao dịch nhằm bảo đảm mọi hoạt động diễn ra an toàn hiệu quả từ ngày đầu thực hiện giao dịch.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Lĩnh Triệu Văn Huấn, tại điểm giao dịch của địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tiếp tục thực hiện tốt các nội dung hợp đồng ủy thác đã ký với ngân hàng; tổ tiết kiệm và vay vốn phát huy tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đến thời điểm hiện tại, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Yên đã thực hiện tổ chức hàng chục phiên giao dịch sau khi sáp nhập, các phiên giao dịch đều được tổ chức bảo đảm theo đúng quy định. Nhờ đó, hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện đều tiếp tục được vay vốn ưu đãi thuận lợi, không bị “lỡ nhịp” với chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước.

Trong bối cảnh tỉnh đang hoàn thiện bộ máy và hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đang tích cực triển khai phương án tổ chức lại bộ máy hoạt động, việc giữ vững ổn định tín dụng chính sách không chỉ đơn thuần là vấn đề nghiệp vụ, mà còn là trách nhiệm lớn lao của những người làm tín dụng chính sách trong việc đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách tạo sinh kế, thực hiện khát vọng thoát nghèo bền vững, dựng xây cuộc sống mới no đủ, giàu đẹp.

Xem thêm