Phát triển đồng bộ cảng biển Nghệ An với mục tiêu hàng chục triệu tấn hàng hóa thông qua
Theo quy hoạch, đến năm 2030, tổng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Nghệ An dự kiến đạt từ 22,25 triệu tấn đến 26,75 triệu tấn; lượng hành khách dao động từ 17.600 đến 21.700 lượt.
Hệ thống hạ tầng cảng sẽ bao gồm 9 bến cảng với từ 28 đến 31 cầu cảng, tổng chiều dài từ 5.151 m đến 5.926 m. Tầm nhìn đến năm 2050, sản lượng hàng hóa tiếp tục tăng trưởng bình quân từ 3,6% đến 4,5%/năm.
Quy hoạch cụ thể từng khu bến
Cảng biển Nghệ An được quy hoạch thành các khu bến: Nam Cửa Lò, Bắc Cửa Lò, Đông Hồi, Bến Thủy-Cửa Hội và các khu bến phao, neo chờ, tránh trú bão.
Trong đó, khu bến Nam Cửa Lò có 56 cầu cảng, tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 tấn, thông qua 5-5,5 triệu tấn hàng hóa.
Khu bến Bắc Cửa Lò gồm 14-15 cầu cảng, tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, thông qua 12-15,5 triệu tấn hàng hóa.
Khu bến Đông Hồi có 5-6 cầu cảng, trong đó có bến chuyên dùng tiếp nhận tàu chở nhiên liệu khí hóa lỏng thiên nhiên (LNG) đến 150.000 tấn.
Khu bến Bến Thủy-Cửa Hội quy hoạch chuyển đổi, di dời bến cảng cũ, xây dựng bến cảng mới tại Hưng Hòa.
Ngoài ra, quy hoạch cũng dành quỹ đất phát triển các bến cảng phục vụ đóng mới, sửa chữa tàu, bến du thuyền và các cơ sở phục vụ quản lý, nghiên cứu, huấn luyện, cung cấp dịch vụ hàng hải.
Hạ tầng hàng hải và giao thông kết nối đồng bộ
Hệ thống luồng tàu được duy trì và nâng cấp theo chuẩn tắc kỹ thuật, bảo đảm tiếp nhận tàu có trọng tải lớn tại các khu bến Cửa Lò, Đông Hồi. Đồng thời, hệ thống giao thông kết nối cảng biển sẽ được triển khai đồng bộ, liên kết với đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng biển Nghệ An đến năm 2030 ước tính khoảng 17.973 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công cho hạ tầng hàng hải khoảng 1.943 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư phát triển bến cảng.
Một số dự án ưu tiên gồm đầu tư luồng tàu vào khu bến Cửa Lò; xây dựng hệ thống giám sát hàng hải, bến công vụ và các công trình bảo đảm an toàn hàng hải; phát triển bến cảng tại Nam Cửa Lò, Bắc Cửa Lò và Đông Hồi.
Nhiều giải pháp thúc đẩy thực hiện quy hoạch và tổ chức giám sát chặt chẽ, thực hiện linh hoạt
Bộ Xây dựng yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách, huy động vốn, bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, khuyến khích hình thành các cảng biển xanh, cảng biển thông minh và hệ sinh thái logistics hiện đại tại Nghệ An.
Việc thực hiện quy hoạch sẽ được giám sát chặt chẽ bởi Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cùng chính quyền địa phương. Quy hoạch cho phép cải tạo, nâng cấp các cảng hiện hữu và linh hoạt cho phép tàu có trọng tải lớn hơn vào cảng khi đủ điều kiện kỹ thuật.
Quyết định 1051/QĐ-BXD có hiệu lực từ ngày ký ban hành (09/7/2025). Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ, tạo động lực phát triển kinh tế biển tỉnh Nghệ An và cả vùng Bắc Trung Bộ trong tương lai.