Heo bệnh, chờ chết để chôn
Tại xã Nam Đông, ông Cao Viết Hùng (tổ 9) cho biết, con heo nái của gia đình xuất hiện triệu chứng đỏ da, sưng cổ, bỏ ăn từ đầu tháng. Dù đã chủ động điều trị và mời cán bộ thú y đến kiểm tra, con heo này vẫn chết sau ba ngày. Tính đến ngày 17/7, 10/25 con heo trong chuồng ông đã chết, số còn lại cũng có dấu hiệu bệnh. Gia đình ông đã đào sẵn 15 hố để tiêu hủy khi cần thiết.
"Biết heo bệnh nhưng tôi không bán tháo như nhiều người. Trên hết là sức khỏe của mọi người", ông Hùng nói. Ông cũng phản ánh, vẫn có trường hợp giấu dịch, bán heo bệnh cho thương lái. Một số hộ ở tổ 8 đã bán toàn bộ heo bệnh cách đây hơn một tháng trước khi báo cáo.
Theo ông Cao Bé, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Đông, toàn xã đã ghi nhận hơn 200 con heo chết từ đầu tháng 7 đến nay. Trong khi chính quyền và cán bộ thú y đang tích cực giám sát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh. Việc giấu dịch của một số hộ dân khiến công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn.
Tình hình càng thêm đáng lo khi từ đầu năm đến sáng 16/7, thành phố Huế ghi nhận 38 ca mắc liên cầu khuẩn lợn ở người, trong đó có 2 ca tử vong. Thông tin được đưa ra tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Huế sáng 17/7, với nhiều chất vấn liên quan đến các giải pháp ứng phó.
Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế cho biết: Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành công văn yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh liên cầu lợn. Ngành y tế cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, lòng lợn hoặc thịt chưa nấu chín; sử dụng thịt có nguồn gốc rõ ràng; mang găng tay, khẩu trang và rửa tay khi chế biến thực phẩm. Lực lượng y tế tăng cường giám sát cộng đồng, điều tra dịch tễ và xử lý ổ dịch kịp thời.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đình Đức cho biết, dù vẫn còn một số ổ dịch tả lợn và tai xanh nhỏ lẻ, các ổ dịch này đã được phát hiện, khoanh vùng và xử lý triệt để.
Đặc biệt, qua điều tra dịch tễ tại nơi sinh sống của các bệnh nhân liên cầu lợn, không phát hiện lợn mang mầm bệnh, thậm chí nhiều hộ không hề nuôi lợn. Điều này cho thấy nguồn lây không đến từ đàn lợn đang được quản lý.
Ông Đức khẳng định: “Người dân có thể yên tâm sử dụng thịt lợn đã qua kiểm tra thú y, nhưng phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc ăn chín uống sôi, chế biến kỹ lưỡng”.
Nhiều nơi đã đưa thịt heo đã ra khỏi thực đơn
Thực tế tại chợ dân sinh cho thấy, sức tiêu thụ thịt heo đã giảm mạnh. Nhiều tiểu thương tạm ngưng bán, hàng quán phải thay đổi thực đơn. Nhiều quán bún bò giò heo truyền thống đã phải thay đổi, bỏ món giò heo, chả heo ra khỏi bảng hiệu. “Không ai ăn nên tôi nghỉ bán heo gần tháng nay rồi”, bà Ty, một chủ quán bún trên đường Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.

Lực lượng chức năng gần đây cũng phát hiện trường hợp cố tình giết mổ heo chết ngoài giờ tại lò mổ, mua bán thịt heo bệnh với giá rẻ để kiếm lời. Theo giới luật sư, hành vi giấu dịch, bán heo bệnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch, tùy mức độ có thể bị xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa khai báo với chính quyền, đặc biệt là các hộ nuôi trong khu dân cư, khiến công tác phòng, chống dịch gặp khó khăn. Khi xảy ra dịch, các hộ này cũng không được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ vì không tuân thủ quy định của Luật Chăn nuôi.
Dịch bệnh xuất hiện trong thời điểm nhạy cảm, khi bộ máy chính quyền cấp xã vừa tổ chức lại sau sáp nhập. Nhiều nơi chưa có kế toán trưởng, chưa nhận được kinh phí hoạt động, ảnh hưởng đến năng lực phản ứng kịp thời với dịch bệnh trên gia súc.
Hiện nay, chính quyền các cấp đang tăng cường phối hợp giữa ngành y tế, nông nghiệp và địa phương nhằm kiểm soát tình hình. Người dân được khuyến cáo cảnh giác, chủ động phòng ngừa, nhưng không nên hoang mang, và cần chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng việc chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ thực phẩm đúng quy định.