Đóng gói sản phẩm chuối sấy dẻo của Hợp tác xã Chuối sạch Chiêu Yên.
Đóng gói sản phẩm chuối sấy dẻo của Hợp tác xã Chuối sạch Chiêu Yên.

Nâng tầm giá trị đặc sản vùng cao

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” không chỉ là chủ trương đúng đắn, mà còn là đòn bẩy quan trọng giúp các sản phẩm nông nghiệp khẳng định giá trị trên thị trường. Thông qua chương trình, các địa phương đã tổ chức lại sản xuất theo hướng bài bản, tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Tại Tuyên Quang chương trình này đã tạo ra một vùng sản xuất nguyên liệu rộng lớn, bền vững và phù hợp với điều kiện tự nhiên từ vùng thấp đến vùng núi cao. Hàng nghìn lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định từ khi các sản phẩm OCOP được thị trường đón nhận.

Trên địa bàn xã Xuân Vân hiện có gần 900 ha trồng bưởi, trong đó, hơn 200 ha trồng giống bưởi Soi Hà. Đây là sản phẩm bưởi đặc sản của địa phương, được người dân chăm sóc theo quy chuẩn VietGAP, hữu cơ. Năm 2017, bưởi Soi Hà được Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn vào Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng. Năm 2021, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tháng 10/2024, bưởi Soi Hà chính thức được xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh, một trong những thị trường khó tính với những quy định khắt khe. Để đạt được điều này, bưởi Soi Hà đã vượt qua kiểm tra 923 chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các loại gây hại cho sức khỏe.

Gia đình bà Hoàng Thị Hòa, thôn Soi Hà, xã Xuân Vân là hộ tham gia chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu sang Vương quốc Anh. Với tổng diện tích hơn 3 ha bưởi Soi Hà, nhiều năm nay cây bưởi đã đem lại thu nhập cao cho gia đình, dù vậy thị trường tiêu thụ chỉ ở trong nước. Việc bưởi Soi Hà của xã Xuân Vân được xuất khẩu sang Vương quốc Anh đã đem lại hy vọng cho bà và các hộ trồng bưởi ở đây, bởi không chỉ nâng tầm thương hiệu nông sản mà còn giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Bà Hòa cho biết, hiện gia đình đang chăm sóc vườn bưởi theo hướng hữu cơ, sử dụng phân vi sinh và tưới nước đều đặn. Khi bưởi bước vào giai đoạn phát triển quả, gia đình dùng đèn để bẫy côn trùng, tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã của quả. Quá trình thu hoạch bưởi xuất khẩu được thực hiện thủ công, cắt bằng kéo, không cắt sát cuống và chỉ chọn những quả đạt tiêu chuẩn để đóng gói. Với hơn 3 ha bưởi Soi Hà, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình bà thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

Ông Triệu Văn Tuyển, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Bưởi Soi Hà được lựa chọn để xuất khẩu có độ ngọt Brix từ 11.5 độ trở lên, dóc múi, mọng nước và không đắng, vỏ mầu vàng đều, ít vết chấm đen và không nám, không có vết côn trùng cắn, trọng lượng từ 1-1,2 kg/quả và được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hai tuần trước khi thu hái, có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn dư lượng châu Âu. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền khoa học-kỹ thuật, công nghệ cho các hộ dân trồng bưởi để đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, chúng tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu để phục vụ cho xuất khẩu năm 2025”, ông Tuyển chia sẻ thêm.

Cùng với sản phẩm bưởi Soi Hà, sáu mặt hàng nông sản OCOP khác của tỉnh Tuyên Quang được xuất khẩu sang Vương quốc Anh gồm: Trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong của HTX hữu cơ nông sản Bình Minh, Chuối sấy dẻo của Hợp tác xã Chuối sạch Chiêu Yên, Trà túi lọc đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã hữu cơ Hồng Phát, Siro chanh và Siro tắc của Hợp tác xã nông sản và dược liệu Minh Thảo.

Ông Nguyễn Thế Hải, Giám đốc Hợp tác xã Chuối sạch Chiêu Yên cho biết: “Sản phẩm chuối của hợp tác xã được xuất khẩu sang Vương quốc Anh là niềm vui rất lớn đối với chúng tôi. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho nỗ lực của tập thể hợp tác xã trong suốt quá trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn, mà còn là cú huých mạnh mẽ mở ra cánh cửa hội nhập thị trường quốc tế cho nông sản Tuyên Quang”.

Từ thành công bước đầu, hợp tác xã đang xây dựng thêm nhà xưởng chế biến với diện tích hơn 300 m2, mở rộng diện tích vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đồng thời trang bị thêm máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Hiện, vùng nguyên liệu của hợp tác xã có khoảng 10 ha, với bảy thành viên và 20 nhân công làm việc liên tục, với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Trong tháng 7/2025, hợp tác xã sẽ tiếp tục xuất khẩu 1.500 hũ chuối sấy dẻo và 1.500 gói chuối chiên giòn theo hợp đồng đã ký kết.

Qua khảo sát thị trường trong và nước ngoài, nhiều đơn vị đánh giá cao chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Hơn 50 sản phẩm đặc sản, chủ lực đã được giới thiệu, chào hàng tại thị trường châu Âu và nhận phản hồi tích cực từ khách hàng. Đây là kết quả bước đầu trong định hướng nâng tầm nông sản Tuyên Quang ra thị trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Công ty cổ phần R.Y.B, Hà Nội (đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản sang các thị trường quốc tế) cho biết, sản phẩm OCOP của Tuyên Quang có chất lượng tốt, sản xuất từ nguyên liệu thiên nhiên và giữ được hương vị đặc trưng, được làm thủ công bởi chính bàn tay của bà con tại các hợp tác xã chế biến. Đây là lợi thế lớn để các sản phẩm này tiếp cận thị trường quốc tế, kể cả những thị trường khó tính như châu Âu, nơi người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng sản phẩm chế biến sẵn nhưng có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe.

Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Môi trường Trần Hải Tuyên cho biết: Chương trình OCOP đã giúp các chủ thể nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, bảo vệ môi trường, sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định. Qua đó, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, tỉnh đã có 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm được quảng bá rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, santmdttuyenquang.gov.vn... Việc xuất khẩu thành công một số sản phẩm OCOP là nền tảng để ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng chiến lược phát triển nông sản chủ lực, từng bước khẳng định thương hiệu và giá trị nông sản Tuyên Quang trên thị trường trong và ngoài nước. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP và chứng nhận ISO theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Có thể nói, chương trình OCOP đã tạo nên một diện mạo mới, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn. Đặc biệt đối với các địa phương vùng cao, đây cũng là cơ hội để các sản phẩm bản địa nâng tầm giá trị, từng bước khẳng định thế mạnh trên thị trường tiêu dùng ■

Xem thêm