Các không gian văn hóa, nghệ thuật cần sáng tạo nhiều hình thức trải nghiệm mới để cuốn hút công chúng. Ảnh: Tham quan Bảo vật Quốc gia - Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, chùa Hội Hạ (Hưng Yên) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: KHIẾU MINH
Các không gian văn hóa, nghệ thuật cần sáng tạo nhiều hình thức trải nghiệm mới để cuốn hút công chúng. Ảnh: Tham quan Bảo vật Quốc gia - Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, chùa Hội Hạ (Hưng Yên) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: KHIẾU MINH

Thắp lửa sáng tạo cùng đất nước vươn mình (kỳ 4)

Kỳ 4: Phải mới và khác để vượt lên

Văn nghệ sĩ, hội nghề nghiệp, đơn vị nghệ thuật… đang đứng trước nhiều thách thức mới, kéo theo không ít băn khoăn, lo lắng về đường hướng hoạt động, phát triển. Nhưng chính trong thế đối diện những câu hỏi lớn, đã lóe lên quyết tâm thay đổi, sáng tạo và đổi mới để giữ lửa tinh hoa nhằm xây đắp văn hóa, phục vụ xã hội.

Hoàn cảnh sẽ mở ra cơ hội!

Những tháng qua, trong quá trình chuẩn bị sáp nhập bộ, ngành, địa phương, tinh gọn bộ máy diễn ra trên cả nước, lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) cũng chung guồng quay. Đã xuất hiện không ít băn khoăn về chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; cơ chế hoạt động của ngành văn hóa, khối VHNT đối với các đơn vị, hội nghề nghiệp, các văn nghệ sĩ. Hoặc lo việc gộp lại các đơn vị nghệ thuật; lo giảm cấp tổ chức hội VHNT từ tầm mức quốc gia xuống trực thuộc hay ở cấp tỉnh xuống thấp hơn nữa. Rồi lo cắt giảm “bầu sữa” ngân sách dành cho các hoạt động tổ chức sáng tác và hoạt động thường xuyên; lo phải thu gọn bộ máy, giảm bớt nhân sự, đầu mối… Cho đến thời điểm hiện tại, khi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã sáp nhập thành 34 tỉnh, thành phố mới và cả nước triển khai vận hành chính quyền 3 cấp, các đơn vị nghệ thuật và Hội VHNT cũng đang mong sớm ổn định để tiếp tục hoạt động.

Nhưng dù có những “bâng khuâng” nhất định về chặng đường tới, quan điểm chung và nhiều ý kiến nhà quản lý, lãnh đạo và văn nghệ sĩ coi đây là một thời điểm lịch sử để đổi mới, cải tiến tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ và thay đổi chính mình. Xác định bước vào cuộc “thử lửa” về tư duy tổ chức, khả năng thích ứng và nuôi dưỡng nhiệt huyết sáng tạo, trong nhiều người, nhiều nơi… đang khởi lên tinh thần biến thách thức thành động lực và cơ hội, hướng tới những mô hình hoạt động năng động, bền vững hơn và gần gũi hơn với cộng đồng, kết nối chặt chẽ với thị trường văn hóa, VHNT. Đó cũng là nhằm bảo đảm mục tiêu tồn tại, phát triển và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng tinh thần, tiềm năng kinh tế của văn hóa, VHNT trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Mới đây, ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn thông tin về việc 3 đơn vị Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống Quốc gia Việt Nam; và sáp nhập Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc vào Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam, đổi tên thành Nhà hát Ca, Múa, Nhạc quốc gia Việt Nam. Ông Thắng gợi mở, đây là cuộc sáp nhập có tính cách mạng, sẽ đem đến những chất liệu cho văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm quan trọng. Còn như chia sẻ của NSƯT Lộc Huyền thuộc Nhà hát Tuồng Việt Nam trước kia thì thời gian qua, bản thân nhà hát đã phải có những bước chuyển mình thông qua việc tổ chức các chương trình biểu diễn nhỏ; các hoạt động trải nghiệm, khám phá nghệ thuật tuồng, trang phục, mặt nạ, vũ đạo tuồng… cho khán giả trẻ. Nhà hát cũng bước đầu phối hợp đưa biểu diễn tuồng vào kịch bản tour du lịch tại đền Quán Thánh (Hà Nội), gây ấn tượng tốt cho du khách.

Không muốn mất nhiều thời gian chờ đợi hay so đo, sốt ruột, mà đón bắt ngay cơ hội khi Đảng, Nhà nước định hướng quy tụ các hội trong khối Liên hiệp VHNT về dưới mái nhà chung Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó để nghiên cứu mô hình mới, đề xuất giải pháp hay. Đó là quan điểm, chia sẻ của nhiều văn nghệ sĩ làm công tác quản lý và trực tiếp sáng tạo. Với Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đã có những hội viên lo xa, hỏi nhiều về hoạt động của Hội, nhưng Chủ tịch - NSND Thúy Mùi thể hiện cái nhìn lạc quan và tự tin: Hội đã họp thường vụ, ban chấp hành, thống nhất chấp hành chủ trương của Đảng. Sân khấu sẽ quyết tâm tăng cường xã hội hóa hơn để duy trì hoạt động. Hoàn cảnh sẽ mở ra cơ hội. Thậm chí qua đó, các hội viên sẽ phải xác định phải chủ động nhiều hơn.

Phân tích với cái nhìn chung về hội nghề nghiệp, theo NSND Thúy Mùi, có thể nếu không phát triển theo hướng bao cấp nữa, thì nghệ sĩ, hội viên để có quyền lợi trong hoạt động của ngành thì phải đóng góp phần trách nhiệm của mình vào đó. Chúng ta hoạt động đâu cần phải quá nhiều, mà Hội sẽ cần những hội viên có thực lực, cần sức mạnh, sự tập hợp, sự chung tay. “Không khó khăn nào có thể buộc chân chúng ta tại chỗ cả. Và từ khó khăn, chúng ta sẽ tạo được bước đi mới để hoạt động hiệu quả và tinh gọn hơn”, NSND Thúy Mùi cho rằng: “Trong xu thế chung, ta cũng đồng hành để có cách đi cho mình. Nhưng với điều kiện mình phải hết sức năng động”.

Coi trọng đặc thù để nâng bước hiệu quả

Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho Chính phủ nhằm ban hành những chính sách phù hợp, thiết thực, khơi thông nguồn lực để văn nghệ sĩ thêm các điều kiện sáng tạo. Từ ý thức trách nhiệm của người làm nghề, đang tiếp tục có những nguyện vọng về phát huy hiệu quả của chính sách nhằm “truyền lực” cho văn nghệ sĩ, VHNT trong bối cảnh mới.

Nhìn một cách bao quát, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mong rằng, trong khối Mặt trận Tổ quốc, các hội sẽ được bảo đảm sự độc lập về chuyên môn, tính đặc thù trong hệ thống. Mong 10 hội chuyên nghiệp của Trung ương sẽ được giữ nguyên, cùng với 34 Hội VHNT địa phương sau sáp nhập. PGS Đỗ Hồng Quân đề xuất, tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa chính sách hỗ trợ sáng tạo, đặt hàng sáng tác của Nhà nước nhằm tạo thêm môi trường hoạt động cho các văn nghệ sĩ có năng lực. Chủ tịch Liên hiệp cũng gợi mở: Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã nói về việc phát động phong trào thi đua, khuyến khích sáng tác về các gương điển hình tiên tiến, các nhân chứng lịch sử cách mạng… Đây là một mảng đề tài rất quan trọng. Mong rằng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phát động các phong trào sáng tác một cách liên tục, thường xuyên về các đề tài như học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;, xây dựng con người mới hôm nay… Đó sẽ là động lực khích lệ văn nghệ sĩ tích cực tham gia sáng tạo VHNT, bên cạnh nhiệt huyết của họ.

Khẳng định, cần khích lệ văn nghệ sĩ tham gia đông đảo, sôi nổi vào các phong trào thi đua yêu nước, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định, đó sẽ là điểm mạnh của Mặt trận. Còn kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm khi cho rằng, đây là lúc các hội nghề nghiệp “xốc” lại mình. Mô hình các hiệp hội nghề nghiệp là chọn lựa phù hợp và cần phát huy tốt chức năng đồng hành, kết nối, hỗ trợ hội viên làm nghề chứ “anh” không phải là lãnh đạo văn nghệ. Tư vấn về chính sách hỗ trợ, tài trợ sáng tác trong tương lai, kiến trúc sư Tùng đề nghị, không nên cào bằng, đừng phân phối rộng khắp, mà phải có chọn lọc, có đầu tư đúng đối tượng tài năng, tâm huyết.

Nhìn lại những năm qua, và quan sát những quan điểm, định hướng lớn đang tiếp tục được phát đi từ đội ngũ lãnh đạo đất nước, có thể nhận ra nhiều điểm tựa để VHNT vươn mình. Hiện tại, khi đất nước đang chuyển mình với diện mạo ngày càng mới, hơn ai hết, chính văn nghệ sĩ là lực lượng cần tích cực tư vấn cho Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa, các địa phương về việc xây dựng, ban hành, vận hành các chính sách, cơ chế mới phù hợp. Cùng với đó, mạnh dạn triển khai những mô hình, hoạt động có tính thử nghiệm, tiên phong.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long (Nhóm xẩm Hà Thành) cho rằng, với các hội VHNT, thời gian tới bộ máy sẽ gọn hơn, nhân sự có thể giảm, nhưng Nhà nước vẫn luôn chủ trương văn hóa là mối quan tâm hàng đầu, trong đó không thể thiếu VHNT. Các hội nghề nghiệp và văn nghệ sĩ nên quan tâm, tập trung hơn đến các giá trị văn hóa đại chúng. Nên tham khảo các mô hình mà các nước đã triển khai, trong đó có vai trò của Nhà nước, có hình thức xã hội hóa. Cần tiến tới luật hóa các phương thức này nhằm kích thích doanh nghiệp, xã hội chung tay phát triển VHNT. Khi đó, các Hội VHNT sẽ là đối tác, việc đầu tư không nặng về cơ chế xin cho, không bị “coi như” làm từ thiện.

Theo GS, TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, điều cần nhất hiện nay chưa hẳn chỉ là kinh phí mà cần có chính sách lắng nghe từ cơ sở, từ nghệ nhân và cộng đồng dân cư bởi họ cũng là đối tượng tương tác, gìn giữ và làm mới di sản mỗi ngày. Nếu chỉ “làm từ trên xuống” hoặc chạy theo bề nổi thì nguy cơ thương mại hóa, thiếu chiều sâu là rất cao.

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: “Các hội nghề nghiệp, các tổ chức văn hóa cần nhanh chóng cập nhật xu hướng, đào tạo kỹ năng số cho văn nghệ sĩ, và xây dựng nền tảng số chuyên biệt cho giới sáng tác, công bố, lưu trữ và trao đổi, trao truyền tác phẩm”.

(Còn nữa)

Xem thêm