Nhìn lại chặng đường nhiều khởi sắc vừa qua, nhận rõ những thách thức hiện tại, đón bắt cơ hội và khơi dậy khát vọng sáng tạo, cống hiến, đó là trách nhiệm cấp thiết của hệ thống lãnh đạo, quản lý đất nước cho đến cá nhân mỗi người sáng tạo, lan tỏa vẻ đẹp chân, thiện, mỹ trong xã hội.
(Tiếp theo trang 1)
“Làn sóng” chính sách mới đang thổi luồng sinh khí vào đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật. Không gian-tâm thế sáng tạo và vai trò của văn nghệ sĩ cũng đang chuyển biến tích cực, thể hiện sự cộng hưởng giữa khát vọng dân tộc và trách nhiệm công dân của người làm nghệ thuật hôm nay.
Ý Đảng hợp lòng văn nghệ sĩ
Những tác động quan trọng của đường lối, chính sách đang góp phần làm khởi sắc đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật (VHNT) đất nước. Từ khoảng đầu nhiệm kỳ 2021-2026 của Đảng trở lại đây, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cùng những hoạt động, sự kiện lớn ở tầm quốc gia đã khơi nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho đông đảo văn nghệ sĩ trong sáng tạo; cho các hội nghề nghiệp về VHNT trong thúc đẩy phong trào sáng tác, quảng bá tác phẩm; cho nhiều đơn vị, địa phương trong việc vận dụng giá trị văn hóa, VHNT vào phục vụ công chúng, phát triển xã hội; và giúp cho đông đảo người dân được thụ hưởng các giá trị tinh thần đặc sắc, nâng cao thẩm mỹ.
Khép lại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đã mở ra tầm nhìn lớn lao về việc xây dựng nền tảng văn hóa, hướng tới mục tiêu văn hóa trong công cuộc phát triển đất nước. Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 vừa cụ thể hóa Nghị quyết, vừa là diễn đàn lớn nhất về văn hóa kể từ Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất (1946), tiếp tục nêu cao quan điểm văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội trong vai trò dẫn dắt sự phát triển bền vững. Hàng loạt hoạt động tổng kết và hoạch định chính sách chiến lược tiếp tục nâng cao mối quan tâm của xã hội với văn hóa; “mài sắc” thêm ý thức đóng góp bằng sáng tạo và lan tỏa của đội ngũ làm công tác văn hóa, VHNT. Cần phải kể đến các đợt kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), tổng kết 10 năm Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tổng kết 15 năm Nghị quyết 23-NQ/TW (2008) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới…
Cụ thể hóa hơn nữa các định hướng lớn là việc xây dựng, công bố nhiều chiến lược quốc gia, tạo nên “trục chính sách” mang tính dẫn đường lâu dài như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030… đã góp phần thể hiện sự thay đổi trong cách tiếp cận: văn hóa vừa là giá trị truyền thống cần bảo tồn, vừa là nguồn lực kinh tế, là sức mạnh mềm trong hội nhập quốc tế. PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá: “5 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc hơn đến lĩnh vực văn hóa nói chung, trong đó có VHNT. Chúng ta đã và đang chứng kiến một chuỗi các định hướng, chính sách lớn mang tính hệ thống; nhìn lại và bổ sung thêm nhận thức, quan điểm mới sau 80 năm thực hiện Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943...”.
Theo PGS Nguyễn Thế Kỷ, tiến trình này càng lan tỏa khi Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa, VHNT xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm chấn hưng văn hóa; sửa đổi, bổ sung các luật như Điện ảnh, Di sản văn hóa… Điều đó khẳng định vị trí “rất quan trọng, đặc biệt tinh tế” của văn hóa, VHNT trong phát triển toàn diện đất nước, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ những mạch nguồn, dòng chảy sáng tạo trong đời sống VHNT.

“Tỏa nhiệt” văn nghệ
Rất sinh động từ những đường lối, chính sách “gần dân, sát xã hội, xúc tác cho văn nghệ sĩ”, các năm qua, công chúng đang chứng kiến và trực tiếp trải nghiệm trong những chuyển động tích cực của các ngành VHNT. Cống hiến, sẻ chia, đổi mới sáng tạo, đóng góp, đồng hành… có thể coi là những từ khóa gọi lên tính chất, tinh thần của sự nở rộ hàng loạt tác phẩm, chương trình, hoạt động VHNT trên cả nước.
Công chúng nhiều năm sau sẽ vẫn nhớ cuộc xung trận truyền lửa của nhiều văn nghệ sĩ trong cuộc chiến cam go trước đại dịch Covid-19. Từ trái tim, từ lời kêu gọi của các cấp lãnh đạo đất nước, địa phương - hướng về các vùng dịch bằng cả vật chất và tinh thần, hàng loạt tác phẩm nhiếp ảnh, tranh cổ động, ký họa, các ca khúc, bài thơ, tiểu phẩm… chống dịch đã ra đời, vừa giàu cảm xúc vừa kịp thời lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết vượt lên biến cố. Đó là những “liều vaccine tinh thần”, cho thấy khả năng phản ứng nhanh, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ trước biến động thời cuộc.
Cuộc tổng kết và trao thưởng lớn của Bộ Quốc phòng cho các tác phẩm VHNT, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025 đã ghi nhận sự nở rộ của nhiều hình thức sáng tạo thông qua sự phối hợp của các đơn vị quân đội với các hội VHNT, các đơn vị nghệ thuật và nhiều văn nghệ sĩ. Đó là tính “mở” rất đáng khích lệ trong bối cảnh thúc đẩy xã hội hóa, tăng cường hợp tác sáng tạo và quảng bá VHNT. Trực tiếp tham dự một số chuyến thực tế, trại sáng tác trên địa bàn Hà Nội, Tây Nguyên và những tỉnh, thành phố khác ở miền bắc, miền trung, những người thực hiện loạt bài này cảm nhận rõ sự năng động của các đơn vị tổ chức thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, các đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng... Có những chương trình được tổ chức theo hướng đa ngành, liên kết giữa các lực lượng công an, quân đội với văn nghệ sĩ và địa phương. Chia sẻ trong cuộc gặp mặt văn nghệ sĩ tại Bảo tàng Hậu cần, nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, thời gian qua ông được mời chấm rất nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác và chứng kiến sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các nhạc sĩ từ nhiều lực lượng, vùng miền.
Những năm qua, các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã đi biểu diễn tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều lần được biểu diễn phục vụ các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Vài thí dụ đó cho thấy rõ thêm về sự vận dụng uyển chuyển chính sách vào hoạt động VHNT. Có thể kể thêm trường hợp Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) gần đây đã phối hợp tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác để văn nghệ sĩ trải nghiệm trực tiếp, sáng tác về ngành một cách sinh động hơn. Nhiều ban, bộ, ngành… đã phối hợp các Hội nhà văn, nhạc sĩ Việt Nam, nghệ sĩ sân khấu và nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam… tổ chức các chương trình sáng tác tôn vinh các giá trị lịch sử - cách mạng, sáng tác cho thiếu nhi hay mở các liên hoan, hội diễn. Nhiều tác phẩm không dừng ở phần “ngọn” mà được “thấm” xuống cơ sở, đến với công chúng thụ hưởng. Một thí dụ mới mẻ là Nhà hát Múa rối Việt Nam, vừa “biến” sân khấu tại Hà Nội thành điểm đến của nhiều đoàn du khách, học sinh, vừa vươn dài “cánh tay nghệ thuật” đi xa. Tại đặc khu Phú Quốc, tỉnh An Giang, từ giữa năm 2024 đến đầu 2025, nhà hát đã có gần 800 suất diễn phục vụ du khách, công chúng và hợp tác truyền dạy cho các hướng dẫn viên du lịch tại đây. Theo Giám đốc nhà hát - NSND Nguyễn Tiến Dũng, đó là minh chứng sống động cho sự kết hợp hiệu quả giữa văn hóa và kinh tế, giữa nghệ sĩ và doanh nghiệp. Rất nhiều suất diễn của nhà hát còn lưu động đến với các trường học, cơ quan, khu dân cư, khu công nghiệp…
Một hiện tượng thú vị và ngày càng sắc nét: Các giá trị di sản văn hóa tưởng như “bất di bất dịch”, nhưng với tinh thần khuyến khích sáng tạo, đã được khai thác ngoạn mục, tạo nên các sản phẩm, tác phẩm VHNT mới mẻ, hiện đại, cuốn hút. Rất tiêu biểu là chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” gần đây đã giúp đưa “lên ngôi” nhiều vốn liếng ông cha xưa trong sự đón nhận nhiệt liệt của khán giả trẻ. “Cơn sốt” đưa di sản và những tác phẩm “cũ” mang âm hưởng dân gian vào đương đại vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Lại đang xuất hiện nhiều thể nghiệm mới của các nghệ sĩ trẻ khác. Nhìn một cách bao quát, GS, TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá: Chính sách mới đã mở ra cơ hội hồi sinh, đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở lại với cộng đồng và đồng thời cũng đòi hỏi sự đổi mới trong cách tiếp cận. Trước đây, việc bảo tồn thường đặt nặng tính trưng bày, phục dựng. Giờ đây, với chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chương trình ngoại giao văn hóa, văn hóa dân gian, di sản phi vật thể được đặt trong mối liên hệ với du lịch, giáo dục, truyền thông và cả công nghệ sáng tạo. Điều đó mở ra cơ hội quý để văn nghệ sĩ, nghệ nhân đưa những vốn quý của dân tộc đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế.
(Còn nữa)