Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: BCT)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: BCT)

Thanh Hóa: Chú trọng kỹ năng, thuế và AI trong phát triển thương mại điện tử

Ngày 18/7, tại Thanh Hóa, Sở Công thương tỉnh phối hợp Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) - eComDX tổ chức Hội nghị tập huấn, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử dành cho cán bộ nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, thanh niên khởi nghiệp và sinh viên.

Hội nghị không chỉ cập nhật kiến thức và kỹ năng thực tiễn về thương mại điện tử, mà còn đem đến cơ hội giúp các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức tại Thanh Hóa tiếp cận các quy định pháp lý mới nhất, định hướng rõ ràng cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử tại địa phương.

Thông qua sự trao đổi trực tiếp với các chuyên gia, nhiều vướng mắc thực tiễn đã được tháo gỡ, tạo nền tảng pháp lý và kỹ thuật vững chắc để các doanh nghiệp tự tin chuyển đổi số và mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số lan tỏa sâu rộng tại địa phương.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm eComDX cho hay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, kinh tế số, thương mại điện tử và chuyển đổi số đang trở thành những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

873b1ea8d7762e-731.jpg
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc eComDX. (Ảnh: BCT)

Ông Tuấn cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. Trong năm 2023, doanh thu thương mại điện tử B2C đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước.

Sang năm 2024, quy mô thị trường tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt khoảng 25 tỷ USD - tăng hơn 20% so với năm trước và chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Đáng chú ý, thương mại điện tử đã đóng góp tới 2/3 giá trị kinh tế số quốc gia, cho thấy vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế số.

Dự kiến đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử B2C sẽ tiếp tục bứt phá, đạt mốc 39 tỷ USD, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế.

765575cf3-7477.jpg
Hội nghị thu hút đông đảo các cán bộ nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, thanh niên khởi nghiệp và sinh viên Thanh Hóa tham gia. (Ảnh: BCT)

Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định, thương mại điện tử không chỉ mang lại cơ hội mà còn đi kèm với nhiều thách thức. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng cần chủ động nắm bắt các xu hướng mới như “shoppertainment” (mua sắm kết hợp giải trí), livestream bán hàng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích hành vi người tiêu dùng và đề xuất sản phẩm phù hợp, từ đó cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm.

Bên cạnh đó, tối ưu logistics thông qua việc lựa chọn đơn vị vận chuyển linh hoạt, rút ngắn thời gian giao hàng và giảm chi phí vận chuyển là yếu tố sống còn. Việc bảo đảm an toàn giao dịch cũng được đặt lên hàng đầu thông qua các phương thức thanh toán bảo mật, xác thực đơn hàng, và quản lý phản hồi, đánh giá của khách hàng một cách minh bạch và chuyên nghiệp.

Một nội dung được đặc biệt quan tâm tại hội nghị là chính sách thuế trong hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Ông Tuấn nhấn mạnh, việc hiểu và tuân thủ đúng các quy định thuế là yếu tố then chốt để doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định và minh bạch trong môi trường số. Các tổ chức và cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử cần đặc biệt lưu tâm đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế một cách đầy đủ nhằm hạn chế tối đa các rủi ro pháp lý.

Tại hội nghị, cán bộ nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, thanh niên khởi nghiệp và sinh viên Thanh Hóa cũng được tiếp cận những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để vận hành gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, đồng thời ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Học viên cũng được tham gia các phần thực hành cụ thể về cách tạo tài khoản bán hàng, xây dựng gian hàng bài bản, cập nhật sản phẩm đúng chuẩn, vận hành quảng cáo hiệu quả nhờ vào các công cụ hỗ trợ AI.

Trong thời gian tới, Trung tâm eComDX sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử tại các địa phương, đặc biệt tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể và thanh niên khởi nghiệp tại các tỉnh.

Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thương mại điện tử, từ đó hình thành hệ sinh thái số vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế số của quốc gia.

Xem thêm