Đội ngũ kỹ sư của Viettel thiết kế và sản xuất thiết bị 5G.
Đội ngũ kỹ sư của Viettel thiết kế và sản xuất thiết bị 5G.

Tạo đà đổi mới sáng tạo từ khuôn khổ pháp lý minh bạch

Lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được luật hóa và đặt ngang hàng với khoa học, công nghệ - đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, để chính sách không chỉ nằm trên giấy, cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa luật vào cuộc sống.

Bước chuyển về tư duy và quản lý

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã được thông qua. Đây là một trong những luật quan trọng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Một điểm đáng chú ý là lần đầu tiên, nội dung về đổi mới sáng tạo được đặt ngang hàng với khoa học và công nghệ, thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Đổi mới sáng tạo được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đổi mới sáng tạo được kỳ vọng đóng góp 3% vào tăng trưởng GDP, trong khi khoa học, công nghệ chỉ đóng góp 1%.

Một điểm nhấn quan trọng khác là luật chuyển trọng tâm quản lý từ kiểm soát đầu vào sang quản lý kết quả, đánh giá hiệu quả đầu ra; cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ thương mại hóa mang lại. Các quy định này tạo động lực đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu, gắn kết chặt chẽ giữa khoa học, công nghệ với phát triển kinh tế- xã hội.

Luật dành riêng một điều khoản về việc “chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” và cho phép thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ, mô hình kinh doanh mới cho thấy tư duy quản lý đổi mới mạnh mẽ, loại bỏ các rào cản hành chính không cần thiết. Đây chính là đột phá về tư duy nhằm giải phóng tối đa nguồn lực trí tuệ, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh mẽ và bứt phá.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đổi mới sáng tạo không chỉ là “lựa chọn” mà còn là “động lực sống còn” để tự chủ công nghệ, tăng năng suất và sức cạnh tranh toàn cầu. Trước đây, luật và chính sách chỉ tập trung vào nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tức là giai đoạn đầu của chuỗi giá trị sáng tạo.

Đến nay, đổi mới sáng tạo được đưa vào luật cho thấy trọng tâm chuyển từ nghiên cứu thuần túy sang nghiên cứu gắn với ứng dụng thực tiễn, tạo giá trị gia tăng thông qua mô hình đổi mới toàn diện, không chỉ trong công nghệ mà còn cả mô hình kinh doanh, tổ chức sản xuất và quản trị.

Thực tế cho thấy, hoạt động quản lý khoa học, công nghệ ở nước ta trước đây chủ yếu dựa trên cách tiếp cận “đầu vào”, quản lý còn mang nặng quy trình, thủ tục hơn là chú ý đến tính ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Tiến sĩ Nguyễn Đại Lâm, Phó Chủ nhiệm Thường trực Khoa Tại chức, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) cho rằng: Điều này dẫn tới không ít đề tài nghiên cứu tuy đủ điều kiện nghiệm thu nhưng không được thương mại hóa, ứng dụng thực tế thấp, gây nên sự lãng phí... Luật sửa đổi lần này đã thay đổi cách tiếp cận trong quản lý nhà nước, chuyển từ kiểm soát đầu vào sang đánh giá hiệu quả đầu ra, khuyến khích nghiên cứu hướng tới thực tiễn, chấp nhận rủi ro đi kèm với cơ chế quản trị rủi ro.

Tiến sĩ Lâm kỳ vọng, việc đổi mới sáng tạo được luật hóa sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các trường đại học có thể tiếp cận vốn xã hội hóa, quỹ đầu tư mạo hiểm hay đặt hàng từ doanh nghiệp để mạnh dạn theo đuổi các đề tài nghiên cứu, ứng dụng có rủi ro nhưng tiềm năng lớn. Việc luật hóa đổi mới sáng tạo cũng sẽ giúp tăng quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc thành lập doanh nghiệp spin-off, kỳ vọng sẽ phát triển được mô hình đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hứa hẹn xây dựng cái nôi ươm tạo khởi nghiệp, tạo ra không gian sáng tạo mở cho sinh viên và cán bộ giảng viên.

Thể chế kiến tạo lợi thế quốc gia

Có thể thấy, đổi mới sáng tạo đã trở thành một trụ cột song hành, được ưu tiên tương xứng trong chiến lược phát triển công nghệ quốc gia. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất hiện nay là biến những chính sách này thành hiện thực. Để tránh tình trạng luật hóa rồi nhưng khó triển khai, cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cần thay đổi tư duy quản lý ở mọi cấp. Nếu tư tưởng cũ kiểu “không quản được thì cấm” vẫn còn thì việc triển khai các cơ chế đột phá như miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro khách quan sẽ khó hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc phối hợp liên ngành, huy động nguồn lực cũng đòi hỏi quyết tâm cao. Luật đặt mục tiêu, ưu đãi rõ và các bộ, ngành, địa phương phải kịp thời ban hành hướng dẫn chi tiết, bố trí đủ nguồn lực, nhân lực thì chính sách mới phát huy tác dụng.

Đồng thời, Chính phủ phải gấp rút ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành với thủ tục rõ ràng, khả thi, tránh tạo thêm rào cản hành chính. Quốc hội và các cơ quan hữu quan phải tăng cường giám sát, đôn đốc thực hiện luật, kiên quyết tháo gỡ các vướng mắc về tài chính, thủ tục để các cơ chế mới đi vào cuộc sống.

“Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và tinh thần đổi mới, chúng ta sẽ biến những chủ trương trong luật thành hành động hiệu quả, đúng như mục tiêu Đảng đề ra là biến thể chế, pháp luật thành lợi thế cạnh tranh quốc gia”, Tiến sĩ Trần Văn Khải bày tỏ.

Ở góc nhìn khác, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh cho hay, việc luật hóa đổi mới sáng tạo mới chỉ là bước đi đầu tiên, hay nói đúng hơn đây là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Bởi chúng ta ít nhiều vẫn còn tư duy quản lý cũ, chưa kịp thay đổi đồng bộ với tư tưởng đổi mới.

Để khắc phục điểm nghẽn trước đây, luật cần sớm được cụ thể hóa bằng các nghị định, thông tư, hướng dẫn tài chính, thủ tục hành chính, chế tài thực thi đồng bộ. Cần ưu tiên xây dựng nghị định hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, sát thực tiễn, đặc biệt về cơ chế tài chính, thử nghiệm chính sách mới, giảm thủ tục hành chính. Đồng thời phải đào tạo, tập huấn sâu rộng, đồng bộ cho các bộ, ngành, địa phương về tư duy và phương pháp quản trị hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Xem thêm