Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu sản phẩm giám sát, duy trì độ tỉnh táo của lái xe.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu sản phẩm giám sát, duy trì độ tỉnh táo của lái xe.

Tìm nguồn vốn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp luôn là thách thức

Khởi nghiệp đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến trong học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn vốn để hiện thực hóa ý tưởng, tạo ra các sản phẩm và xa hơn nữa là thành lập các công ty khởi nghiệp (start-up) luôn là thách thức.

Mai Bá Nghĩa, sinh viên khoa Kỹ thuật Cơ Điện tử, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội cùng nhóm cộng sự đang nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ cho người bị suy giảm chức năng vận động. Ý tưởng xuất phát từ bản thân khi Nghĩa bị tai nạn gãy tay trái, sau phẫu thuật không thể tự nâng, dần teo đi nên phải tập để phục hồi chức năng tại bệnh viện. Khi tập, em luôn phải có một bác sĩ kèm cặp, trong khi số lượng người có nhu cầu tập phục hồi chức năng ngày càng tăng.

Sau thời gian khảo sát tại một số bệnh viện, nhóm của Nghĩa đã cho ra sản phẩm hỗ trợ phục hồi chức năng trong quá trình tập luyện của người bệnh. Với thiết bị này, người tập được nhìn thấy các vật dụng được mô phỏng trong không gian ảo, có thể tương tác những vật dụng thường ngày như cốc, bát ăn cơm hay quả bóng... từ đó, nhóm nghiên cứu sẽ thu thập thông tin về cơ lực để đánh giá mức độ hồi phục của bệnh nhân. Nghĩa chia sẻ, khó khăn lớn nhất của nhóm là nguồn vốn.

Năm 2022, nhóm của Trần Văn Lực, sinh viên ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu và làm ra sản phẩm giám sát, duy trì độ tỉnh táo của lái xe dựa trên công nghệ sống não. Năm 2024, nhóm đã gọi vốn được 25.000 USD cho giai đoạn nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Từ việc gặp nhiều khó khăn do tài chính hạn hẹp, không thể mua nhiều thiết bị để thử nghiệm và nghiên cứu, nhờ có nguồn vốn kêu gọi được, nhóm đã đẩy nhanh tốc độ phát triển của dự án và đạt nhiều kết quả tích cực.

Nguồn vốn là yếu tố rất cần thiết khi khởi nghiệp, nhưng sinh viên thường gặp khó trong huy động vốn. Do không có thu nhập ổn định hoặc tài sản cá nhân nên các em khó thuyết phục được các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư còn tâm lý lo ngại khi đầu tư vào dự án của sinh viên vì phần lớn họ thiếu kinh nghiệm, không ổn định và có tính rủi ro cao.

Nhiều trường đại học và các tổ chức phi lợi nhuận cũng đã hình thành các quỹ để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Tuy nhiên, để nhận được nguồn vốn từ quỹ này cũng cần phải đạt một số tiêu chí nhất định.

Ông Trương Công Tuấn, Giám đốc Trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các start-up sinh viên khó tiếp cận nguồn vốn do chưa nắm kỹ các thủ tục về thành lập và vận hành công ty. Trong quá trình vận hành, họ còn chưa chú trọng tìm hiểu luật thuế, luật doanh nghiệp...

Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1665/QĐ-TTg, phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đề án nêu rõ, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong trường...

Sau tám năm, đề án đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cộng đồng start-up sinh viên. Tính từ năm 2020-2024, số lượng dự án khởi nghiệp của sinh viên là 33.808, gần 300 doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn do cơ sở giáo dục đại học ươm tạo.

Đối với sinh viên, bà Thạch Lê Anh, sáng lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp VSV cho rằng, các start-up sinh viên muốn kêu gọi vốn thành công cần tập trung vào lĩnh vực: công nghệ tài chính (Fintech), lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh nhất với các mô hình ví điện tử; công nghệ xanh và biến đổi khí hậu (Greentech/Climate-tech) đang là một xu hướng mới nổi nhưng rất tiềm năng. Bên cạnh đó, các start-up sinh viên cần khởi nghiệp bằng việc giải quyết bài toán chuỗi cung ứng, tối ưu kho vận và quản lý logistics thông minh, từ đó tạo cơ hội tốt để gọi vốn.

Xem thêm