Nhằm hướng tới những mục tiêu quan trọng sắp tới, đội tuyển U22 Việt Nam đã chính thức tập trung cùng thời điểm với đội tuyển quốc gia trong dịp FIFA Days tháng 6. Lực lượng lần này gồm 26 cầu thủ trẻ tài năng đến từ nhiều CLB trên cả nước, trong đó phần lớn là những gương mặt đã gắn bó với đội ở các đợt hội quân trước và từng được thử sức qua nhiều trận đấu, giải đấu quốc tế, tích lũy kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu cần thiết cho chặng đường phía trước. Đó là những cái tên như thủ môn Hoa Xuân Tín, Cao Văn Bình; hậu vệ Hồ Văn Cường, Nguyễn Đức Anh; tiền vệ Nguyễn Thái Sơn, Đinh Xuân Tiến, Nguyễn Văn Trường; tiền đạo Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Thanh Nhàn... Ngoài ra, 2 thành viên đội tuyển quốc gia nhưng vẫn ở độ tuổi U23 là Khuất Văn Khang, Lý Đức cũng có thể được triệu tập để tăng thêm sức mạnh và kinh nghiệm.
Đáng chú ý, đợt hội quân này ghi nhận sự góp mặt của hai cầu thủ Việt kiều là Viktor Lê và Bùi Alex. Viktor Lê là gương mặt khá quen thuộc ở V.League khi thường xuyên đá chính trong mầu áo Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và từng được triệu tập lên U22 Việt Nam tham dự giải giao hữu ở Trung Quốc. Còn Bùi Alex đang chơi cho đội B Bohemians Praha 1905 tại giải hạng Ba của CH Séc, có thể thi đấu đa năng ở nhiều vị trí gồm tiền vệ tấn công, tiền vệ cánh và tiền đạo.
Tháng 3 vừa qua, các cầu thủ trẻ đã có đợt cọ xát bổ ích tại giải đấu giao hữu ở Trung Quốc. “Giải đấu giúp các cầu thủ tích lũy thêm kinh nghiệm thi đấu quốc tế, đặc biệt là cách đối phó với những đối thủ có thể hình và lối chơi khác biệt. Các cầu thủ đã cải thiện khả năng kiểm soát trận đấu, duy trì sự tập trung và nâng cao hiệu quả phối hợp trong hệ thống chiến thuật. Những kinh nghiệm này sẽ rất quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á và SEA Games sắp tới”, quyền HLV trưởng Đinh Hồng Vinh chia sẻ.

Năm nay, nhiệm vụ chính thức đầu tiên của đội tuyển là bảo vệ ngôi vương Giải vô địch U23 Đông Nam Á, nơi mà Việt Nam đã lên ngôi 2 lần liên tiếp trước đó. Đây không chỉ là sân chơi quen thuộc để các đội trẻ trong khu vực thi đấu, rèn luyện, mà còn là bài kiểm tra lực lượng quan trọng hướng tới các mục tiêu xa hơn. Theo kết quả bốc thăm, đội tuyển thuộc bảng B, cùng với Lào và Campuchia, tranh tài từ 15 đến 31/7 tại Indonesia. Tuy được đánh giá là bảng đấu rất dễ, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiến sâu, hướng đến mục tiêu vô địch, nhưng áp lực bảo vệ danh hiệu và sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia sẽ là thử thách không nhỏ.
Song, giải đấu khu vực sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể thử nghiệm đội hình, chiến thuật và tạo đà tâm lý tốt trước vòng loại U23 châu Á 2026 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 9/9. Với việc nằm trong nhóm hạt giống số 1, thầy trò HLV Kim Sang-sik tránh được việc chung bảng với nhiều đối thủ mạnh và nằm ở bảng C với tư cách chủ nhà cùng các đội U23 Yemen, U23 Singapore và U23 Bangladesh.
Dù rơi vào bảng đấu không quá khó khi các đối thủ đều được đánh giá thấp hơn, nhưng chúng ta vẫn cần duy trì sự tập trung. Yemen và Singapore là những đối thủ quen thuộc, nhưng Bangladesh có thể mang đến bất ngờ và khó lường. Hơn nữa, vòng loại lần này sẽ có 44 đội, chia thành 11 bảng, các đội nhất bảng và 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất giành vé vào vòng chung kết tổ chức tại Saudi Arabia năm sau. Điều này đòi hỏi đội tuyển phải duy trì phong độ ổn định và tận dụng tốt lợi thế sân nhà (dự kiến tổ chức ở Việt Trì, Phú Thọ). Và đến SEA Games 33 cuối năm sẽ là đấu trường cuối cùng mà U22 Việt Nam cần chinh phục.
Bên cạnh đó, đội tuyển còn phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc bảo toàn lực lượng trước lịch thi đấu dày đặc cho đến áp lực từ kỳ vọng lớn lao của người hâm mộ. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần thi đấu quyết tâm sẽ là yếu tố then chốt giúp U22 Việt Nam vượt qua khó khăn. Hành trình phía trước của các cầu thủ trẻ sẽ là một chặng đường đầy cảm xúc, thử thách và mang trong đó những khát vọng mới của tuổi trẻ.