Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo cụ thể những công việc đã triển khai và những biện pháp trong thời gian tới để khắc phục hậu quả thiên tai tại một số địa phương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, cần bảo đảm thực phẩm cho người dân, khi nước rút thì ngành y tế hỗ trợ, hướng dẫn xử lý môi trường, nước sạch cho người dân. Các ngành quân sự, công an huy động lực lượng tích cực hỗ trợ chính quyền và người dân ứng phó kịp thời, đặc biệt là trong công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.
Các địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục với phương châm "4 tại chỗ"; tăng cường công tác tuyên truyền để cả xã hội, người dân cùng đồng lòng vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, nghiên cứu di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn...

Nhấn mạnh tình hình mưa lũ trong những ngày tới sẽ còn diễn biến phức tạp, để bảo đảm công tác ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong phạm vi ảnh hưởng tổ chức trực ban 24/24 giờ, có phương án khắc phục ở mức cao nhất, trước hết theo phương châm "4 tại chỗ".
Chỉ đạo các xã tập trung huy động hệ thống chính trị của địa phương thực hiện tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; bố trí lực lượng, tăng cường tuần tra, canh gác tại các vị trí xung yếu.
Tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở, trong đó có các địa bàn xã vùng hạ lưu để có phương án kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn. Trường hợp cần thiết tiến hành cưỡng chế. Huy động lực lượng để hỗ trợ di dời người dân và tài sản khi có yêu cầu.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng yêu cầu các đơn vị có biện pháp ứng cứu kịp thời, tiếp cận các địa điểm, khu vực dân cư ở các xã, thôn, bản đang bị cô lập, chia cắt để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. Có phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, dọn dẹp môi trường sau khi nước rút.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các nhà máy thủy điện theo dõi, thực hiện nghiêm quy trình xả lũ và kịp thời thông báo cho các địa phương, từ đó thông tin kịp thời đến người dân vùng bị ảnh hưởng. Trường hợp cần thiết thì báo cáo với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh để chỉ đạo kịp thời và báo cáo cơ quan Trung ương.


Theo Báo cáo từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến chiều ngày 23/7, có 450 nhà và 2 trường học bị thiệt hại; 3.786 nhà bị ngập nặng.
Về nông nghiệp, hàng nghìn ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị nhấn chìm.
Ngoài thiệt hại về tài sản, có 3 người dân bị chết do lũ cuốn; 1 người mất tích và 4 người bị thương (số liệu thống kê chưa đầy đủ do nhiều địa phương, đơn vị đang bị cô lập, mất điện, mất liên lạc).