Đạo diễn Đặng Thái Huyền giới thiệu sa bàn đại cảnh trường quay bộ phim "Mưa đỏ".
Đạo diễn Đặng Thái Huyền giới thiệu sa bàn đại cảnh trường quay bộ phim "Mưa đỏ".

Mưa đỏ cho mãi trời xanh

Triển lãm “Mưa đỏ” là lời tri ân bằng hình ảnh sống động gửi những người lính đã hóa thân vào lịch sử trong 81 ngày đêm khốc liệt ở Thành cổ Quảng Trị. Triển lãm cũng là cánh cửa mở vào dự án phim truyện cùng tên, kể về khát vọng độc lập, hòa bình và hòa hợp dân tộc.

Nghệ thuật trong nghệ thuật

Trong quá trình thực hiện dự án phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ”, do Điện ảnh QĐND sản xuất, kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ý tưởng về một triển lãm ảnh hậu trường bộ phim đã được đề xuất. Thượng tá, NSƯT Đặng Thái Huyền, Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội, đạo diễn bộ phim cho biết, thời gian thực hiện phim "Mưa đỏ" quá nhiều vất vả. Từ thời tiết đến việc triển khai những đại cảnh chiến tranh và vũ khí, khí tài... Nhìn mọi người đồng cam cộng khổ trong giá lạnh, mưa rét…, đạo diễn nghĩ tại sao không có một triển lãm nho nhỏ, hoặc tập hợp lại những bức ảnh hậu trường để làm cuốn sách ảnh.

Được sự ủng hộ của lãnh đạo điện ảnh quân đội, ước mong đó đã trở thành hiện thực. Triển lãm ảnh “Mưa đỏ” với chủ đề “Ngọn lửa lịch sử - Sức sống hôm nay” chính là nghệ thuật trong nghệ thuật.

Theo NSND Lý Thái Dũng, Giám đốc hình ảnh bộ phim, trong quá trình làm phim, luôn có hai hệ thống là nhiếp ảnh và quay phim song hành (behind the cine). Với “Mưa đỏ”, nhà nhiếp ảnh không chỉ ghi hình hậu trường mà phải tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Đây là một kiểu lưu trữ cảm xúc bằng hình ảnh, mang điện ảnh đến gần công chúng qua triển lãm.

Những bức ảnh được trưng bày không chỉ là tư liệu hậu trường quý giá, mà còn là lát cắt nghệ thuật giàu tính biểu cảm. Thượng tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội chia sẻ, có rất nhiều khoảnh khắc xúc động, chân thực đã được ghi lại, trở thành những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật độc lập, chứa đựng thông điệp: Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép mình lãng quên lịch sử.

122.jpg
Cảnh chia tay bên bến sông.

Hành trình nhiều gian nan

Từ mùa hè 2023, “Mưa đỏ” được sản xuất. Trong quá trình tái hiện chiến trường Thành cổ Quảng Trị, ê-kíp đã đối mặt nhiều thách thức. NSND Lý Thái Dũng cho biết, tuy Điện ảnh Quân đội có sự hỗ trợ rất lớn từ các ban, ngành, các binh chủng, quân chủng nhưng khó khăn vẫn vô cùng lớn. Đó là toàn bộ vũ khí, khí tài, trang phục đã quá cũ và đều phải sử dụng từ bảo tàng. Mặc dầu đã phục chế, nhưng nhiều quy chuẩn không đáp ứng được. Theo ông Dũng, các nền điện ảnh phát triển luôn có ngành công nghiệp sản xuất và cung cấp các thiết bị phục vụ cho điện ảnh cùng hành lang pháp lý rất tốt.

Kỹ xảo là thử thách lớn thứ hai. Những đại cảnh chiến tranh, cảnh cháy nổ, cảnh bơi sông Thạch Hãn… đều phải xử lý bằng kỹ xảo kết hợp quay thật. Đây là bộ phim có quy mô tương đương những tác phẩm chiến tranh tầm quốc tế, nhưng được sản xuất trong điều kiện kỹ thuật, tài chính còn nhiều hạn chế. Và như vậy, không khí trường quay được chính các thành viên gọi là “một chiến trường thật sự”. Đạo diễn Đặng Thái Huyền kể lại, có những hôm trời lạnh, mưa dầm, cả đoàn chìm trong bùn đất nhưng không một ai than vãn, bởi những vất vả ấy không là gì so những người lính năm xưa. Với diễn viên Vũ Nhật Nam, vai Cường trong phim, đây là một trải nghiệm không thể quên. Nam tâm sự: Nhớ lại những khoảng thời gian mà bọn em ở bên cạnh nhau, đứng trên chiến hào, dưới hầm hay bơi qua bờ sông giữa mưa rét..., đó là những kỷ niệm rất đẹp.

Lời tri ân sâu sắc

Đại tá, nhà văn Chu Lai tác giả tiểu thuyết “Mưa đỏ” xúc động, từ khi tác phẩm hình thành (2010) cho đến giờ khi bộ phim được thực hiện xong đã 15 năm, dù chỉ mới xem các trích đoạn nhưng trong lòng ông đã rưng rưng như gặp lại đứa con của mình và ông tin rằng “hình hài nó sẽ vô cùng tráng kiện”.

“Mưa đỏ” là mưa máu, mưa nước mắt, mưa bom đạn… nhưng cũng là mưa của lòng yêu nước không bao giờ lụi tàn, “Mưa đỏ” để mãi cho trời xanh. Nhà văn Chu Lai khẳng định: Thế hệ chúng tôi yêu nước bằng cách hành quân ra trận. Còn thế hệ các bạn hôm nay, yêu nước bằng cách làm giàu cho mình, cho đất nước. Nhà văn tin rằng, trong tim mỗi người Việt đều có một hạt kim cương, đó là lòng tự tôn dân tộc.

Sự im lặng trong chiến tranh cũng là điểm nhấn nhân văn mà phim theo đuổi. Theo đạo diễn Đặng Thái Huyền, không chỉ có bom đạn mới khốc liệt, sự im lặng khi đối mặt với mất mát, với nỗi nhớ cha mẹ, với tuổi trẻ chưa kịp sống mới thật sự làm khán giả nghẹn ngào. Phim “Mưa đỏ” sẽ có những khoảnh khắc người lính đối diện với sự im lặng của chiến tranh sau khi bom đạn dội xuống.

Bộ phim còn là sự kết hợp giữa tư liệu lịch sử chân thực và ngôn ngữ nghệ thuật điện ảnh hiện đại với kỳ vọng tái hiện sinh động một trong những trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử dân tộc hiện đại, không chỉ bằng hình ảnh mà bằng cả chiều sâu tâm hồn, bằng tiếng gọi của ký ức và khát vọng tri ân.

Dự kiến công chiếu ngày 22/8, Bộ phim “Mưa đỏ” tái hiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Phim đồng thời khắc họa mặt trận ngoại giao căng thẳng tại Hội nghị Paris, tố cáo tội ác chiến tranh và tôn vinh khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc”.

Xem thêm