Rươi là một loại nhuyễn thể, sống tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ. Trước đây rươi chủ yếu được khai thác trong tự nhiên nhưng thời gian gần đây, việc phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ đã mở ra hướng đi mới cho người dân sinh sống tại các vùng ven sông, ven biển tỉnh Hưng Yên. Ông Trần Minh Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho biết: “Chúng tôi đang triển khai thí điểm mô hình nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa hữu cơ, cho kết quả rất khả quan. Việc làm này phù hợp chủ trương của Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong sản xuất tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xanh và bền vững hiện nay”. Tại khu ruộng lúa sạch kết hợp thả rươi nằm ngay sát sông Trà Lý thuộc xã Hồng Thái, gia đình anh Bùi Ngọc Lương đang thực hiện mô hình nuôi rươi kết hợp với cấy lúa trên diện tích 5 ha. Thời gian gieo cấy cuối tháng 2 vừa qua bằng giống lúa Tiền Hải 1, lượng giống 165kg. Đến thời điểm này, năng suất lúa khoảng 4 tấn/ha, sản lượng ước đạt 20 tấn. Số lượng rươi thả 6 triệu ấu trùng rươi với kích cỡ 0,2mm đến 0,25mm/con, mật độ 120 con/m2. Đến nay, kích cỡ rươi trung bình đạt 5 cm/con, với 5 ha cho sản lượng ước đạt 6 tấn. Anh Lương cho biết, giá rươi thương lái thu mua tại chân ruộng thời điểm đầu vụ dao động từ 380 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng/kg, còn bình thường thấp nhất khoảng 200 nghìn đồng/kg. Giá trị đem lại cao, tuy nhiên quy trình nuôi rươi kết hợp cấy lúa hữu cơ phải được tuân thủ nghiêm ngặt, nhất là việc điều tiết nước ra- vào. Rươi ưa thích sinh sống ở môi trường nước lợ, tuy nhiên nước phải sạch, nếu bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, rươi sẽ không sống được. Năm 2024, cơn bão Yagi ập vào đất liền, nước lũ dâng cao tràn khắp các cánh đồng đem theo nguồn nước ô nhiễm đã làm người dân trong khu vực mất mùa rươi. Hiện nay, để sản xuất lớn theo hướng hữu cơ, anh Bùi Ngọc Lương có khoảng 40ha vùng chuyển đổi chỉ để cấy lúa và nuôi thủy sản. Anh đầu tư gần 400 triệu đồng để mở cống lấy nước trực tiếp từ sông Trà Lý nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn nước sạch vào ruộng. Trong tương lai gần, quy trình thủy lợi khép kín này hoàn toàn phù hợp để nuôi rươi kết hợp trồng lúa sạch. Mô hình nuôi rươi hiệu quả nêu trên được nhân rộng ở khu vực Trà Giang với khoảng 120 ha chân ruộng ven đê được người dân chuẩn bị để nuôi rươi lâu dài. Ông Trần Minh Hưng cho biết: Chúng tôi triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn nuôi rươi kết hợp trồng lúa hữu cơ bài bản, kỹ lưỡng cho nông dân. Các mô hình điểm với sự đầu tư về giống, vốn, kỹ thuật của trung tâm đã tạo sự lan tỏa lớn. Điều quan trọng là thông qua tuyên truyền và tập huấn, người dân cần thay đổi nhận thức để thích ứng với quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ đang là xu hướng hiện nay.
