MỘT NHỊP HÀNH CHÍNH MỚI
Đầu giờ làm việc buổi sáng, tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Phú Long, hàng chục người dân được cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo yêu cầu. Không khí làm việc khoa học, khẩn trương, vui vẻ. Chị Bùi Thị Thu Hương, cán bộ Tư pháp tại Trung tâm, chia sẻ, trước đây, mỗi người phụ trách một mảng, khi có hồ sơ liên quan nhiều lĩnh vực phải chờ phối hợp lâu. Nay, nhờ có đồng nghiệp từ huyện tăng cường về, hỗ trợ cho nên việc xử lý hồ sơ rất nhanh, nhiều hồ sơ được trả kết quả trong ngày. Từ ngày 1/7 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 351 hồ sơ, trong đó có 113 hồ sơ nộp trực tuyến. Đây là kết quả tốt với xã miền núi có 52% dân số là đồng bào Mường. Trong tuần gần nhất, 116 hồ sơ được giải quyết, đạt tỷ lệ 100% trả kết quả đúng hẹn. Ông Nguyễn Gia Thống, 70 tuổi, người dân bản Xăm, cho biết: Làm thủ tục thừa kế đất đai trước kia phải qua nhiều bộ phận. Giờ làm ở trung tâm rất nhanh, hiệu quả. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Long Đặng Xuân Tuấn nhìn nhận: Bộ máy xã hiện có 31 cán bộ công chức, mỗi người phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực cho nên áp lực lớn. Nhưng khó đến mấy cũng phải tìm cách khắc phục. Để giảm tải cho cán bộ, xã đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, yêu cầu 100% cán bộ ứng dụng phần mềm, nền tảng điện tử trong giải quyết công việc, tích hợp cả công cụ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ nghiệp vụ. Nhờ đó, tốc độ xử lý nhanh hơn, giảm đến mức thấp nhất sai sót. Tuy nhiên, là xã miền núi cũng có những khó khăn riêng. Phần lớn dân số là người Mường, chưa quen thao tác điện tử hay các thủ tục trực tuyến. Đồng chí Đặng Xuân Tuấn cho biết: Xã phối hợp với Tỉnh đoàn cử cán bộ xuống từng bản hướng dẫn người dân đăng ký dịch vụ công, đồng thời đào tạo trưởng thôn thành “cầu nối” công nghệ. Điều này giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại. Là xã miền núi của tỉnh, thành lập từ việc sáp nhập hai xã Kỳ Phú và Phú Long (cũ). Phú Long mới có diện tích hơn 74 km², dân số hơn 13.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm khoảng 52%. Là đơn vị hành chính đặc thù sau sắp xếp lại địa giới hành chính, Phú Long giữ vai trò là trung tâm kết nối vùng cao với các tuyến hành chính trung tâm, qua đại lộ Hoa Lư, đồng thời là địa bàn nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, kinh tế rừng và nông nghiệp hữu cơ.
GẦN DÂN VÀ HIỆU QUẢ
Tuy vẫn còn khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ xã Phú Long làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Cán bộ từ các xã cũ cùng lực lượng tăng cường nhanh chóng hòa nhập, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau. Nhờ đó, người dân cảm nhận được một chính quyền gần gũi hơn. Không khí làm việc tại Ủy ban nhân dân xã Phú Long những ngày này luôn tấp nập. Trước sảnh, người dân chờ gọi tên. Trong các phòng ban, cán bộ xử lý hồ sơ, nhập liệu, tư vấn. Tiếng điện thoại, tiếng bàn phím, tiếng hướng dẫn..., tất cả tạo nên nhịp điệu mới nơi vùng cao: sôi nổi, gấp gáp nhưng trật tự, hiệu quả. Cuối ngày, ông Bùi Văn Dự đến đăng ký khai sinh cho cháu nội chia sẻ: “Tôi chưa thấy bộ máy nào làm việc gần dân như thế. Chỉ mong các cán bộ xã giữ mãi tinh thần này”. Câu chuyện Phú Long là minh chứng cho hiệu quả của mô hình chính quyền mới tại Ninh Bình. Thực tế cho thấy, nếu vận hành tốt, mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ tinh gọn, hiệu quả, mà còn đưa dịch vụ công gần hơn với người dân. Với những xã vùng núi còn nhiều khó khăn, nhờ cách làm quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo, chính quyền đã tạo dựng lòng tin từ nhân dân. Đây chính là nền tảng để chính quyền cấp xã vận hành hiệu quả trong giai đoạn mới.
Bài và ảnh: VĂN LÚA, ĐÀO PHƯƠNG