Sản xuất công nghiệp là một trong những ngành thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất hiện nay. (Ảnh DUY LINH)
Sản xuất công nghiệp là một trong những ngành thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất hiện nay. (Ảnh DUY LINH)

Khẳng định vị thế, tiềm lực của khu vực năng động

Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của sáu tháng trong 5 năm qua.

Trong đó, nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng vươn lên nhóm dẫn đầu trong việc thu hút vốn, khẳng định vị thế và tiềm lực của một khu vực năng động, một cực tăng trưởng quan trọng của đất nước.

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, Hà Nội và Bắc Ninh tiếp tục là hai địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Đây cũng là hai địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng và đều có những lợi thế riêng biệt như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư. Hà Nội trong nhiều năm qua luôn đứng trong top đầu cả nước về thu hút FDI. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Hà Nội thu hút 3,677 tỷ USD vốn FDI, chiếm 17% tổng số vốn FDI cả nước và gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2024. Riêng trong tháng 6, Hà Nội thu hút 799,3 triệu USD vốn FDI. Trong đó có 41 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 27,8 triệu USD. Có 21 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký thêm đạt 729,8 triệu USD.

Ngay từ đầu năm 2025, môi trường kinh doanh của Hà Nội có nhiều cải thiện về chính sách như Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực đã tạo ra một không gian chính sách mới cho sự phát triển. Cùng với đó là các chính sách ưu tiên như cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa liên thông, miễn giảm thuế đất cho các dự án công nghệ cao, ưu tiên phát triển hạ tầng tại khu công nghiệp và logistics trọng điểm. Những yếu tố nêu trên giúp Hà Nội chuyển hướng từ mời gọi đầu tư sang chủ động kiến tạo môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn FDI hiệu quả hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, chính sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, gắn với đẩy mạnh hoạt động đối ngoại kinh tế, văn hóa, xúc tiến thu hút đầu tư với các tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước là những “bí quyết” giúp Bắc Ninh trở thành một trong những địa phương có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư. Lần đầu tỉnh Bắc Ninh áp dụng cơ chế “Luồng xanh”, ưu tiên xử lý trong vòng 24 giờ đối với các dự án trọng điểm có sức lan tỏa, các dự án cấp phép đầu tư trong nước có tổng vốn từ 10 triệu USD, các cảng cạn logistics, khu công nghệ thông tin tập trung, khu đô thị… bảo đảm các dự án sớm được triển khai, đưa vào vận hành và giảm 60% thời gian xử lý hồ sơ có liên quan cấp phép xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, thông quan.

Bắc Ninh luôn chú trọng đổi mới hoạt động đối ngoại kinh tế, văn hóa, xúc tiến thu hút đầu tư với các tập đoàn, thương hiệu lớn trong nước và nước ngoài. Tỉnh quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho gần 130 dự án đầu tư ở trong và ngoài nước vào các KCN với tổng vốn đăng ký 1.148,90 triệu USD, trong đó có 86 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 636,73 triệu USD. Đến nay, Ban Quản lý cấp phép cho 2.246 dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó vốn FDI là 1.567 dự án) với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt 32.589,33 triệu USD. Dự kiến, năm 2025 tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh vào các KCN đạt khoảng 3,6 tỷ USD.

Hải Phòng hiện đứng trong top đầu những địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước với hơn 1.900 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư lũy kế đạt gần 48,4 tỷ USD. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư do thành phố Hải Phòng tổ chức, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và thế giới đến đầu tư đã đưa Hải Phòng trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Bên cạnh đó, Hải Phòng dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2024 là một chỉ dấu quan trọng phản ánh chất lượng điều hành kinh tế, môi trường đầu tư, năng lực quản trị cũng như sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính của chính quyền địa phương. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải trao Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng cho lãnh đạo thành phố, chính thức khởi động một giai đoạn phát triển mới với khung pháp lý vượt trội để Hải Phòng bứt phá trong tương lai.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về kịch bản tăng trưởng vừa được tổ chức tại Hà Nội, Chính phủ đưa ra các giải pháp phấn đấu tăng trưởng trong năm 2025 đạt từ 8,3% đến 8,5% tạo đà để đạt mức hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Một trong những yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu này là cần thu hút vốn FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD. Đây là yếu tố quan trọng, cần sự nỗ lực hơn nữa của các địa phương, trong đó có các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính không cần thiết, tạo môi trường thật sự thuận lợi để thu hút nguồn vốn FDI vào phát triển kinh tế.

VÂN TRANG

Xem thêm