Ông Đào Văn Luyện, xã Tân Hưng, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: “Với lợi thế vùng nhãn đặc sản, tôi rất mừng khi báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ xã Tân Hưng nhiệm kỳ 2025-2030 nhấn mạnh việc thực hiện ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là tập trung vào vùng nhãn đặc sản”. Xã Tân Hưng có diện tích trồng nhãn lớn, với 330 ha; trong đó có 240 ha được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nông dân xã trồng nhiều giống nhãn quý: Nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ, nhãn hương chi…; được đầu tư thâm canh theo chiều sâu, với giải pháp cải tạo, thay thế, đưa cây nhãn lồng đặc sản có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện nay, cây nhãn mang lại nguồn lợi lớn cho người dân với các sản phẩm như mật ong hoa nhãn, nhãn quả tươi, long nhãn..., nâng thu nhập bình quân mỗi ha canh tác lên 250 triệu đồng/ha/năm. Anh Bùi Xuân Sử, Phó Giám đốc hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Tân Hưng chia sẻ: “Tôi đã tiên phong trồng và chăm sóc nhãn theo phương pháp hữu cơ. Lúc đầu chưa nhận được sự ủng hộ của gia đình và xã viên vì chi phí đầu vào cao, giá bán bấp bênh. Nhưng tôi quyết tâm bảo tồn giống nhãn quý, nâng cao giá trị nông sản bằng canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, sạch, an toàn. Mô hình này đã mang lại thành công, được nhân rộng trong hợp tác xã”. Diện tích trồng nhãn hữu cơ của gia đình anh Sử đạt 1,2 mẫu, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Sử và các thành viên hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu còn vận động, giúp đỡ nhiều hộ dân chuyển đổi sang trồng nhãn hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp bền vững. Cùng với việc đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, các hộ dân, hợp tác xã ở Tân Hưng chủ động đẩy mạnh liên kết trong chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo đảm đầu ra ổn định cho người trồng nhãn. Hợp tác xã nông nghiệp Xanh Phố Hiến, xã Tân Hưng đã khẳng định vai trò “cầu nối” giữa nông dân và thị trường. Các thành viên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, định hướng phát triển giống nhãn đặc sản, hỗ trợ nhau bán hàng, quảng bá và tiêu thụ nhãn quả tươi cùi cổ với giá tại vườn từ 110.000- 120.000 đồng/kg. Xã Tân Hưng có 16 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, như nhãn tươi, long nhãn, bột sắn, mật ong... Hầu hết, sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và công nhận sản phẩm OCOP, cho nên giá trị ngày càng cao trên thị trường. Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng Vũ Văn Thắng đánh giá: Những thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thương mại... là thành tựu bước đầu cần tiếp tục phát huy, nhân rộng. Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp còn những khó khăn cần tháo gỡ, khắc phục. Việc liên kết giữa các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp thu mua nông sản, nhất là nhãn tươi còn hạn chế, dẫn đến các mặt hàng nông sản bán với giá không ổn định. Một số hợp tác xã chưa chủ động tìm thị trường và định hướng phát triển, nhiều hộ dân chưa thay đổi tập quán sản xuất, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong canh tác... Để nâng cao giá trị nông sản, trong đó có nhãn lồng đặc sản, Đại hội Đảng bộ xã Tân Hưng lần thứ 1, nhiệm kỳ 2025-2030 đề ra mục tiêu “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt cần tập trung vào vùng nhãn đặc sản, phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh và bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giảm nghèo, tăng thu nhập”. Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng Vũ Văn Thắng: Xã Tân Hưng xác định phát triển vùng nhãn đặc sản theo chuỗi giá trị, hướng hữu cơ; xây dựng quy trình sản xuất quả nhãn gắn mã vùng trồng; liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ mặt hàng nông sản có mã vùng trồng, gắn với chỉ dẫn địa lý; tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh, trong đó có sàn thương mại điện tử. Địa phương tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác, nhất là hợp tác xã sản xuất đặc sản nổi trội: Quả nhãn tươi, long nhãn, mật ong... Tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nhãn quả tươi và mặt hàng nông sản, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử để tiêu thụ tại thị trường nội địa, hướng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài... Từ đó, nâng cao giá trị quả nhãn, phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 136 triệu đồng/ người/năm, là địa phương không còn hộ nghèo.
