Bao bì cũ, nhãn sai - doanh nghiệp chịu rủi ro
Những ngày đầu tháng 7/2025, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhận được phản ánh về việc một số doanh nghiệp nhập khẩu điều thô từ châu Phi sử dụng bao bì cũ, in thông tin không trùng khớp với hàng hóa thực tế.
Theo Vinacas, nhiều bao đựng hạt điều nhập khẩu in tên nước khác với quốc gia xuất khẩu, thậm chí có những bao từng chứa mặt hàng khác như cá, mắc-ca... Khi tiến hành kiểm dịch thực vật, Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 2 đã gửi văn bản đến các cơ quan hải quan tại nhiều cảng, yêu cầu xác minh nguồn gốc, xuất xứ và biện pháp xử lý với những trường hợp vi phạm.
Trước thực tế này, Vinacas đã làm việc với Cơ quan Hải quan, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bởi khối lượng lớn điều thô còn đang trên đường hoặc đã đóng container chuẩn bị xuất về Việt Nam.
Ngày 22/7, Cục Hải quan đã có văn bản trả lời kiến nghị của Vinacas, nêu rõ: Việc kiểm tra xác minh xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa và việc kiểm dịch thực vật là hai hoạt động quản lý chuyên ngành riêng biệt.
Việc kiểm dịch được thực hiện độc lập, căn cứ vào quy định pháp luật chuyên ngành về kiểm dịch thực vật, không phụ thuộc vào kết quả xác minh xuất xứ hay xử lý vi phạm của Cơ quan Hải quan.
Theo đó, việc cơ quan kiểm dịch chờ kết quả kiểm tra xác minh, nguồn gốc xuất xứ của lô hàng cũng như biện pháp xử lý hành vi vi phạm (nếu có) của Cơ quan Hải quan làm cơ sở để giải quyết thủ tục kiểm dịch đối với lô hàng nhập khẩu là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và không có cơ sở pháp lý.
Đối với quy định về ghi nhãn đối với hàng hóa nhập khẩu, theo Cục Hải quan, tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa; Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: “Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài”.
Theo đó, khi làm thủ tục thông quan, Cơ quan Hải quan căn cứ quy định hiện hành, đối chiếu với thực tế lô hàng nhập khẩu để kiểm tra các nội dung bắt buộc trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu theo quy định...

Do đó, đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành và vướng mắc, kiến nghị của Vinacas, Cục Hải quan cho biết, trường hợp doanh nghiệp sử dụng bao bì cũ, có dán nhãn hàng hóa trên bao bì cũ thì nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc và Cơ quan Hải quan căn cứ để kiểm tra, đối chiếu với thực tế lô hàng nhập khẩu với hồ sơ hải quan.
Trường hợp nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu không thể hiện đầy đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc khi làm thủ tục thông quan là không phù hợp với quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Do đó, Cục Hải quan đề nghị Vinacas hướng dẫn doanh nghiệp thành viên căn cứ các quy định hiện hành để thực hiện và liên hệ Chi cục Hải quan khu vực được hướng dẫn cụ thể.
Cục Hải quan cũng đề nghị, quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc phát sinh về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu, Vinacas liên hệ Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 43/2017/NĐ-CP và Nghị định 111/2021/NĐ-CP để được hướng dẫn cụ thể.
Cảnh báo từ thực tiễn nhập khẩu điều thô
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, hiện nay, còn khá nhiều điều thô đang trên đường vận chuyển về Việt Nam hoặc đã đóng container chuẩn bị xuất hàng. Trong đó có thể có nhiều lô hàng không có nhãn hàng hóa mới trên bao chứa.
Theo Vinacas, thực tế nhiều doanh nghiệp ngành điều Việt Nam ít có thói quen quan tâm đến bao bì, nhãn mác khi nhập khẩu điều thô, chấp nhận việc nhà cung cấp sử dụng bao đay cũ, có in thông tin không đúng với nguồn gốc điều thô và không thực hiện gắn hoặc in nhãn mác hàng hóa theo quy định mặc dù pháp luật Việt Nam đã quy định rõ ràng.
Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn trong bối cảnh cơ quan chức năng đẩy mạnh chống hàng giả, gian lận thương mại và siết chặt minh bạch xuất xứ, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước, đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh giữa các quốc gia.
Trước diễn biến trên, Vinacas đề nghị các doanh nghiệp cần khẩn trương rà soát toàn bộ hợp đồng, đặc biệt với các lô hàng đang trên đường hoặc chuẩn bị xuất về Việt Nam. Nếu phát sinh trường hợp thiếu nhãn gốc mới nhưng hàng hóa có đầy đủ hồ sơ xuất nhập khẩu hợp lệ và đúng là điều thô, đề nghị cơ quan chức năng cho phép thông quan.
Về lâu dài, hiệp hội hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung, điều chỉnh điều khoản về bao bì, nhãn mác trong phụ lục hợp đồng đã ký; còn với hợp đồng mới, cần yêu cầu đối tác sử dụng bao mới, in nhãn hàng hóa đúng theo quy định pháp luật Việt Nam (quy định tại khoản 5, Điều 1, Nghị định 111/2021/NĐ-CP về “nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu”).