Phát triển kinh tế tư nhân là chủ trương lớn mang tính đột phá của Đảng và Nhà nước trong định hướng dài hạn về phát triển kinh tế đất nước.
Phát triển kinh tế tư nhân là chủ trương lớn mang tính đột phá của Đảng và Nhà nước trong định hướng dài hạn về phát triển kinh tế đất nước.

Agribank tích cực hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp

Phát huy trách nhiệm của Ngân hàng thương mại giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, góp phần tích cực phát triển kinh tế tư nhân - khu vực đóng góp tới 50% GDP và ngày càng thể hiện vai trò chủ lực trong nền kinh tế Việt Nam.

“Định danh” hộ kinh doanh trong hệ thống doanh nghiệp thúc đẩy phát triển nền kinh tế

Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 68) nhấn mạnh, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết là một “trụ cột chính sách” trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân - khu vực ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế Việt Nam. Các giải pháp hỗ trợ được đề ra trong Nghị quyết 68 góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng tích cực hơn, từ đó làm gia tăng nhu cầu tín dụng một cách “lành mạnh”. Khi doanh nghiệp khỏe, có nền tảng tài chính tốt và hoạt động ổn định, các tổ chức tín dụng sẽ thuận lợi hơn trong việc cung ứng vốn - vừa an toàn, vừa hiệu quả. Có thể thấy, Nghị quyết 68 như cây cầu nối, giúp bảo đảm sự tin tưởng, hợp tác giữa doanh nghiệp và ngân hàng, tạo ra mối quan hệ cộng sinh để cùng nhau phát triển bền vững.

Với mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, một trong những trọng tâm của Nghị quyết 68 là chuyển đổi hàng triệu hộ kinh doanh hiện có thành doanh nghiệp chính thức, đặc biệt là nhóm siêu nhỏ - vốn chiếm tỷ trọng lớn nhưng chưa được “định danh” trong hệ thống doanh nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có các chính sách ưu đãi thiết thực nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu, miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên, hỗ trợ giảm 30% tiền thuê đất trong 5 năm.

Việt Nam hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó rất nhiều hộ đã phát triển ở quy mô giống như doanh nghiệp như: có cửa hàng, thuê nhân viên, sử dụng hóa đơn điện tử, vận hành hệ thống bán hàng. Từ năm 2024, những thay đổi trong chính sách thuế và nhu cầu mở rộng thị trường, ký hợp đồng lớn, tiếp cận vốn vay hay triển khai hóa đơn điện tử… buộc các hộ kinh doanh phải thay đổi một cách toàn diện. Bên cạnh đó, khi Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ (Nghị định 70/2025) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2025, việc chuyển đổi mô hình hoạt động hộ kinh doanh sang doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết.

Theo Điều 11 của Nghị định 70, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên và doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp không chỉ nhằm tuân thủ quy định pháp lý, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính người kinh doanh. Chuyển đổi này góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng sẽ hiệu quả hơn bởi việc tích hợp dữ liệu từ hệ thống hóa đơn điện tử và phần mềm bán hàng sẽ giúp ngân hàng đánh giá đúng tình trạng của doanh nghiệp, đưa ra quyết định cấp tín dụng nhanh chóng, chính xác, phù hợp với nhu cầu thực tế hơn.

agri-2.jpg
Hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho chính người kinh doanh.

Agribank dành ưu đãi lớn cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp

Một trong số các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68 là đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 khuyến khích các ngân hàng trở thành đối tác chiến lược của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Theo đó, có thể thấy, ngành Ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân, đặc biệt trong việc cung cấp vốn, hỗ trợ tài chính và các dịch vụ ngân hàng khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong bối cảnh hiện nay cả nước có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp tư nhân và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hàng triệu lao động, ngành Ngân hàng xác định vai trò của các tổ chức tín dụng không chỉ dừng lại ở việc cung ứng tín dụng mà còn là đối tác đồng hành dài hạn, gắn bó thủy chung với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển bền vững.

Là Ngân hàng thương mại hàng đầu, Agribank luôn xác định rõ vai trò tiên phong trong thực thi các chỉ đạo, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng hành, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mô hình hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh theo Nghị định 70/2025, Agribank triển khai chương trình ưu đãi “Chuyển đổi bứt phá-Nâng tầm doanh nghiệp”. Chương trình diễn ra từ ngày 15/7/2025 đến hết ngày 15/7/2026, dành cho hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi thành doanh nghiệp từ ngày 01/01/2025 và doanh nghiệp lần đầu mở tài khoản thanh toán tại Agribank.

Với mong muốn đồng hành cùng khách hàng trong giai đoạn chuyển đổi mô hình hoạt động, Agribank dành nhiều ưu đãi thiết thực trong 12 tháng kể từ ngày khách hàng tham gia chương trình. Theo đó, khi tham gia chương trình, khách hàng sẽ được miễn phí quản lý tài khoản, miễn phí dịch vụ ngân hàng điện tử (Agribank Corporate eBanking), tặng gói Giải pháp quản lý bán hàng 1POS và Giải pháp hóa đơn điện tử Invoice giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị tài chính một cách hiệu quả, thuận tiện, hiện đại hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp SMEs còn nhận được các ưu đãi lãi suất vay vốn với mức giảm 0,8%/năm-1,2%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, hình thức cấp vốn linh hoạt phù hợp với nhu cầu vốn và mô hình sản xuất kinh doanh của khách hàng.

agri-3.jpg
Agribank triển khai chương trình “Chuyển đổi bứt phá - Nâng tầm doanh nghiệp”, tích cực hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp với nhiều ưu đãi thiết thực.

Trước đó, cam kết đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Agribank triển khai Chương trình “Hưng thịnh cùng doanh nghiệp SMEs năm 2025”, tài trợ 60.000 tỷ đồng vốn ưu đãi ngắn hạn với lãi suất thấp hơn so với sàn lãi suất cho vay thông thường đến 1,2%/năm. Chương trình không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn lưu động thường xuyên của khách hàng mà còn cung cấp cho khách hàng SMEs những tư vấn giải pháp tài chính toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh như dịch vụ thanh toán và quản lý dòng tiền, dịch vụ tài trợ thương mại… trên các kênh cung cấp sản phẩm đa dạng. Những khách hàng SMEs lần đầu tiên giao dịch tại Agribank cũng được hưởng những chính sách ưu đãi lãi suất ưu việt, hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn vốn ổn định để hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp SMEs hoạt động xuất nhập khẩu có thể tham gia chương trình tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu với nhiều ưu đãi về lãi suất, tỷ giá, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ. Doanh nghiệp SMEs đang trong quá trình đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số hay đầu tư các dự án xanh được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi tới 24 tháng.

Ưu đãi tài chính thiết thực, sẵn sàng hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn chuyển đổi, Agribank cam kết đồng hành cùng SMEs, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển hiệu quả, góp phần thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đất nước.

Với sứ mệnh phục vụ “tam nông”, Agribank ưu tiên đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực thiết yếu, phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và các dự án thuộc lĩnh vực xanh. Agribank tích cực tham gia và được “định vị” là Ngân hàng chủ lực, tiên phong đối với các đề án quan trọng như Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp bền vững của đất nước. Tỷ trọng cho vay ở khu vực “tam nông” của Agribank luôn ở mức cao (trên 65%), thể hiện cam kết mạnh mẽ với sứ mệnh của mình. Agribank nỗ lực đa dạng hóa kênh dẫn vốn, đưa dịch vụ ngân hàng đến tận tay người dân, giúp người dân tránh bẫy tín dụng đen, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; đồng thời tích cực triển khai các giải pháp công nghệ phục vụ nhu cầu thanh toán dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi của khách hàng, hỗ trợ khách hàng tiếp cận tài chính số, lan tỏa phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thực hiện tài chính toàn diện. Bên cạnh đó, Agribank thường xuyên thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế biến động.

Những nỗ lực của Agribank không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, đặc biệt là khu vực hộ kinh doanh và SMEs, mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn. Agribank đang tiếp tục nỗ lực khẳng định vị thế và thương hiệu ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, chủ lực đầu tư phát triển kinh tế “tam nông”, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Xem thêm