Đường sắt cao tốc bắc-nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 11/2024, có tổng vốn sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67 tỷ USD), kế hoạch hoàn thành vào năm 2035.
Theo đó, thành phố phấn đấu phê duyệt dự án trước ngày 19/8/2025; phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoàn thành trong tháng 10/2025; hoàn thành xây dựng khu tái định cư trong Quý II năm 2026.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, Dự án đường sắt cao tốc bắc-nam đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh dài khoảng 17km với chi phí bồi thường dự kiến hơn 2.100 tỷ đồng. Dự án dài 17km, với hai đầu mối chính là ga Thủ Thiêm diện tích hơn 17ha và Depot Long Trường hơn 60ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Võ Trung Trực cho hay, Ban Quản lý đường sắt thuộc Bộ Xây dựng xác định và bàn giao ranh mốc giải phóng mặt bằng, làm cơ sở pháp lý cho việc kiểm đếm, đo đạc, tổ chức chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia nên thành phố đang chủ động chuẩn bị nhằm sẵn sàng triển khai đồng bộ với các đoạn tuyến khác của dự án.
Đường sắt tốc độ cao bắc-nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 11/2024. Tuyến đường dài 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh). Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/giờ, có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa...
Đường sắt tốc độ cao phục vụ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.800ha, dự kiến 120.836 người cần tái định cư.