Thông tin tại Hội nghị, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 636 ổ dịch tại 30 tỉnh, thành phố; số lợn mắc bệnh, chết buộc phải tiêu hủy là 43.375 con. Hiện nay, còn 256 ổ dịch tại 26 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Trong tháng 6 và 7, bệnh dịch tả lợn châu Phi gia tăng tại các tỉnh phía bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Nội…) và duyên hải miền trung (Quảng Ngãi, Quảng Trị…).
Nguyên nhân chính là do chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu an toàn sinh học, tâm lý chủ quan và trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, thời tiết biến đổi thất thường, đặc biệt bước vào mùa mưa, bão tại các tỉnh miền bắc, kết hợp với hiện tượng người nuôi, vận chuyển thiếu ý thức vứt xác lợn bệnh xuống sông, kênh mương... làm phát tán virus dịch tả lợn châu Phi theo dòng nước, gây ô nhiễm môi trường.
Hoạt động giết mổ động vật còn chưa được kiểm soát triệt để, một số cơ sở giết mổ vi phạm pháp luật thú y, vẫn thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Bên cạnh đó, còn lúng túng trong việc công bố dịch cấp xã do mới được phân cấp về cấp xã, chưa tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục về các quy định hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật.
Lực lượng thú y địa phương, đặc biệt là thú y cấp xã rất mỏng, địa bàn rộng nên công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại một số địa phương chưa được kịp thời (nhiều tỉnh không bố trí nhân viên thú y cấp xã, có tỉnh không thực hiện công tác kiểm soát giết mổ động vật). Việc áp dụng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh phải thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm khắc hơn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hơn một triệu liều vaccine dịch tả lợn châu Phi đã được sử dụng, tỷ lệ lợn chết sau tiêm vaccine rất thấp. Kết quả sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi của các địa phương thời gian qua cho thấy, vaccine có hiệu lực và hiệu quả trong phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tuy vậy, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, việc triển khai tiêm phòng vaccine còn chậm. Một phần do người dân chưa tin tưởng, phần khác do thiếu cơ chế hỗ trợ rõ ràng. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch hành động xử lý xác chết động vật và các đề tài nghiên cứu về đốt xác, xử lý môi trường đã có hướng dẫn chi tiết.
Đến nay, cơ bản đã có đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật, Kế hoạch quốc gia, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường rất chi tiết, cụ thể cho từng bệnh, từng thời kỳ. Do đó, việc quan trọng nhất hiện nay là tổ chức thực hiện của các địa phương (nhất là cấp xã), các doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, từng gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế và ngành chăn nuôi. Việc kiểm soát dịch bệnh là yếu tố then chốt giúp ngành chăn nuôi đạt mục tiêu tăng trưởng 5,7-5,9% năm 2025, bảo đảm an toàn thực phẩm và ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, các địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện 109/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh, tiêm phòng vaccine và bố trí kinh phí phù hợp. Đồng thời, cần kiện toàn hệ thống thú y cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát và cập nhật dữ liệu dịch bệnh trên hệ thống VAHIS...