Việc thay đổi phương thức quản lý, tăng hàm lượng công nghệ chế biến, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi giá trị được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng ngành lâm nghiệp vượt mốc 4,7-5%/năm, tiến tới đạt mức hai con số trong tương lai.
Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng...
Tạo sinh kế rừng bền vững
Mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đặt nhiệm vụ sản lượng gỗ khai thác trong nước đáp ứng ít nhất 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Triển khai đề án, các tỉnh có rừng đã tăng cường nhiều biện pháp quản lý, phát triển rừng bền vững.
Khu vực tỉnh Bắc Giang trước đây (nay là tỉnh Bắc Ninh) có bốn doanh nghiệp tham gia quản lý hơn 9.000ha rừng và đất lâm nghiệp, gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lục Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, những năm qua, các đơn vị này đã tăng cường quản lý giống lâm nghiệp, đưa một số giống mới vào trồng rừng, tiến hành thâm canh trồng rừng, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản..., đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.
Cùng với đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật từ giống cây trồng, cơ giới hóa trong phát thực bì, cuốc hố, khai thác rừng cũng góp phần tăng năng suất lao động, năng suất cây trồng từ 75-80 m3 gỗ/ha/chu kỳ lên 110-125 m3 gỗ/ha/chu kỳ, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập cho cán bộ, công nhân.
Tương tự, tại tỉnh Cà Mau, những năm qua, kinh tế lâm nghiệp được đánh giá phát triển bền vững, năng suất rừng trồng khu vực U Minh Hạ đạt 90-180 m3/ha/chu kỳ từ bốn đến sáu năm, góp phần cung ứng nguyên liệu cho thị trường và ngành chế biến gỗ, tạo thu nhập ổn định cho người dân nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi phương thức trồng từ rừng tràm quảng canh sang trồng bằng biện pháp kê liếp giảm ngập úng, giúp tăng sản lượng rừng lên gấp 2-3 lần.
Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) Trần Ngọc Thảo - hiện đang quản lý hơn 24.000ha đất lâm nghiệp cho biết, người dân còn đa dạng hóa nguồn thu nhập từ các hoạt động chính trong lâm nghiệp như trồng rừng, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản với mô hình lâm-ngư kết hợp (lấy ong mật, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản) tăng thêm 2-3 triệu đồng/ha/năm; góp phần ổn định sinh kế cho 2.418 hộ nhận khoán, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc.

Trong bối cảnh xu hướng phòng vệ thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng, việc quản lý rừng bền vững, đáp ứng các quy định của thị trường xuất khẩu về xuất xứ, chứng chỉ rừng là vấn đề then chốt để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, gia tăng giá trị.
Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, cả nước hiện có diện tích rừng trồng keo khoảng hơn 1 triệu ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích rừng trồng toàn quốc. Đây là nguồn nguyên liệu chính cho các ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy, ván nhân tạo, dăm gỗ và sản xuất đồ gỗ phục vụ xuất khẩu. Để gia tăng giá trị kinh tế lâm nghiệp, việc khai thác gỗ non cần hạn chế, mà nên để lại thêm từ 5-6 năm, biến nguồn nguyên liệu này trở thành những cánh rừng gỗ lớn, từ đó gia tăng gấp đôi trữ lượng gỗ, kéo theo giá bán cũng tăng gấp 2-3 lần.
Hiện đại hóa sản xuất, gia tăng chế biến sâu
Kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha; phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.
Nhằm bảo đảm vùng nguyên liệu bền vững, phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho rằng, các đơn vị chủ rừng cần nỗ lực tham gia các dự án quản lý rừng bền vững và đạt chứng chỉ rừng bền vững; áp dụng kỹ thuật nuôi dưỡng, chuyển hóa rừng trồng cung cấp gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; đồng thời, cần xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, VFCS, giúp sản phẩm từ rừng có giá trị kinh tế cao khi tiêu thụ trên thị trường, góp phần nâng cao chất lượng trồng, quản lý rừng bền vững và chế biến gỗ.
Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị, một trong những điểm nhấn của việc phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng là triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp cũng đang đứng trước nhiều thách thức khi xu hướng phòng vệ thương mại gia tăng đi kèm với các quy định mới được ban hành về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ vào các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Trong bối cảnh đó, các bên liên quan cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro, phòng vệ thương mại, tăng khả năng tiếp cận vốn, xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ khâu trồng rừng, chế biến đến phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường trọng điểm, truyền thống, nhưng cần thận trọng đối với nguồn nguyên liệu đầu vào từ các nước đang là đối tượng bị Mỹ áp thuế.
Những thách thức này cũng là cơ hội để các nhà sản xuất sản phẩm lâm nghiệp trong nước kịp thời thay đổi tư duy, phù hợp thông lệ quốc tế; đồng thời, tìm hướng đa dạng thị trường, giảm chi phí sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh chủ yếu từ gia công theo đơn hàng của nhà nhập khẩu sang chủ động sản xuất mẫu mã sản phẩm riêng, xây dựng thương hiệu để gia tăng hiệu quả kinh doanh, biên độ lợi nhuận.