Nông dân huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) phơi hồ tiêu sau khi thu hoạch. (Ảnh TTXVN)
Nông dân huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) phơi hồ tiêu sau khi thu hoạch. (Ảnh TTXVN)

Giá hồ tiêu lập đỉnh, thị trường phục hồi nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức

Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đạt mức cao nhất trong nhiều năm, góp phần đưa kim ngạch tăng hơn 34% so cùng kỳ, bất chấp lượng xuất khẩu giảm. Tuy nhiên, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do biến động chính sách, sức cầu chưa ổn định và sức hút đầu tư vào hồ tiêu đang có dấu hiệu suy giảm.

Những nội dung này được nêu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, diễn ra ngày 24/7, tại Hà Nội.

Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng mạnh, thị trường phục hồi tích cực

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2025, cả nước đã xuất khẩu 124.133 tấn hồ tiêu, giảm 12,9% về lượng so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại đạt 850,5 triệu USD, tăng 34,1%. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ mức giá xuất khẩu tăng mạnh: tiêu đen đạt trung bình 6.665 USD/tấn (tăng 93,6%); tiêu trắng đạt 8.079 USD/tấn (tăng 63%).

Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua, phản ánh xu hướng phục hồi rõ nét của thị trường hồ tiêu thế giới và nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm của ngành hồ tiêu Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu chủ lực gồm Mỹ (chiếm 23,6% tổng lượng xuất khẩu), Ấn Độ, UAE, Trung Quốc và Đức. Đáng chú ý, tại thị trường Mỹ - nơi nhu cầu dự kiến sẽ tăng mạnh từ quý IV/2025 đến quý I/2026, các doanh nghiệp đang tích cực xây dựng kế hoạch nhập khẩu cho mùa tiêu thụ cao điểm.

Dù xuất khẩu sang Trung Quốc có cải thiện, nhưng chưa ghi nhận tăng trưởng bứt phá do cạnh tranh từ Indonesia. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu của Indonesia sang Trung Quốc tăng hơn 100%, gây áp lực lên giá và chiến lược giao hàng của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Lê Việt Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định, giá tiêu thế giới duy trì ở mức cao gần gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái, bất chấp sản lượng toàn cầu sụt giảm. Một số quốc gia đã bắt đầu mở rộng diện tích trồng, nhưng tác động đến nguồn cung toàn cầu sẽ cần 2–3 năm.

Tại các nước sản xuất, việc nông dân không bán tháo sau thu hoạch như các năm trước, cùng với mặt bằng giá cao, đã góp phần giữ ổn định thị trường và tạo kỳ vọng tích cực cho giá tiêu thời gian tới.

hotieu2-4776-813-6425.jpg
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, diễn ra ngày 24/7, tại Hà Nội.

Giá hồ tiêu phục hồi nhanh sau cú giảm sâu, kỳ vọng quý IV sôi động trở lại

Tại thị trường trong nước, giá thu mua hồ tiêu quý II/2025 ghi nhận nhiều biến động. Trong tháng 4, giá dao động ở mức cao 153.000 đồng/kg–155.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 157.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sang tháng 5, thị trường bắt đầu điều chỉnh giảm, xuống còn 148.000 đồng/kg–150.000 đồng/kg và tiếp tục giảm về mức 147.000 đồng/kg vào đầu tháng 6.

Tác động chính khiến giá hồ tiêu giảm sâu là thông tin về khả năng Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với hồ tiêu Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp tạm ngưng mua vào. Thêm vào đó, việc Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể đã làm phát sinh tâm lý chờ đợi trong giao dịch và kê khai thuế.

Đến tuần thứ ba tháng 6, giá tiêu nội địa rơi xuống mức thấp nhất từ đầu năm, chỉ còn 123.000 đồng/kg. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, giá tiêu bất ngờ phục hồi, đạt trung bình 140.000 đồng/kg và duy trì ổn định đến nay. Sự hồi phục nhanh chóng nhờ động thái mua dự trữ của doanh nghiệp và kỳ vọng thị trường xuất khẩu khởi sắc trong quý IV.

Vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2025 đã kết thúc với sản lượng ước đạt 180.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu là do không có sự mở rộng diện tích trồng mới trong niên vụ vừa qua.

Dù giá hồ tiêu giữ ở mức cao, nhưng sức hút đầu tư vào loại cây trồng này lại có dấu hiệu suy giảm so với các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng và cà-phê, vốn đang thu hút sự quan tâm của nông dân nhờ giá bán ổn định và đầu ra thuận lợi hơn.

Trong 6 tháng đầu năm, Olam Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu với 12.388 tấn, chiếm khoảng 10% thị phần. Các doanh nghiệp khác như Nedspice Việt Nam (10.604 tấn), Phúc Sinh (10.232 tấn), Trân Châu (6.624 tấn) và Haprosimex JSC (6.460 tấn) đều là những đơn vị có năng lực xuất khẩu ổn định, giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì vị thế của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất ổn về chính sách và địa chính trị, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi theo hướng thận trọng, ưu tiên nhập khẩu từng phần nhỏ, đều đặn, nhằm kiểm soát tồn kho và giảm rủi ro chi phí. Đây cũng là thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với biến động thị trường và duy trì hiệu quả chuỗi cung ứng.

Xem thêm