Giao khoán trong công ty nông nghiệp cần được phát huy hiệu quả trong giai đoạn mới. (Ảnh: HNV)
Giao khoán trong công ty nông nghiệp cần được phát huy hiệu quả trong giai đoạn mới. (Ảnh: HNV)

“Không bỏ ai lại phía sau” trong giao khoán của công ty nông nghiệp

Trong bối cảnh xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu ngày càng cao về hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán trong các công ty nông nghiệp” được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng cơ chế giao, nhận khoán tại các công ty nông nghiệp hiện nay.

Hội thảo diễn ra ngày 25/7, tại Hà Nội. Hội thảo do Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Vụ Kinh tế ngành (Ban Chính sách chiến lược Trung ương), Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp và môi trường cùng tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức.

Hội thảo diễn ra trực tiếp tại hội trường Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với hình thức trực tuyến theo phần mềm zoom với sự tham gia của đông đảo đại biểu.

Giao khoán tạo động lực kinh tế, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng

Báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán trong các công ty nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Tiến, Hội Khoa học kỹ thuật nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ ra, việc khoán đất nông, lâm nghiệp trong công ty nông, lâm nghiệp đã là động lực, có vai trò quan trọng trong các công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước khai hoang, mở rộng diện tích, bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện chủ trương “Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc-Chương trình 327” và “Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng-Chương trình 661”.

giaokhoan3.jpg
Quang cảnh Hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: HNV)

“Khoán đất nông, lâm nghiệp qua nhiều giai đoạn khác nhau, với những cơ chế, quy định khoán thay đổi, thiếu những quy định, hướng dẫn chuyển đổi nên dẫn đến tồn tại nhiều hình thức khoán, xung đột, mâu thuẫn trong thực hiện hợp đồng khoán”, ông Tiến nói.

Dịp này, ông Nguyễn Văn Tiến kiến nghị, cần sớm hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp vào năm 2026; Sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng giao quyền chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng đất, giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp; triển khai các nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất, thực hiện khoán đất lâm nghiệp trên cơ sở rà soát, đánh giá hiện trạng, hợp đồng giao khoán để tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong khoán đất lâm nghiệp 50 năm, 20 năm và theo chu kỳ cây trồng, khuyến khích các mô hình tổ chức sản xuất mới kết hợp giữa lâm nghiệp và dịch vụ du lịch sinh thái, từ đó tăng giá trị kinh tế từ rừng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, cần rà soát quy hoạch đất đai, trọng điểm là những vùng trước năm 1990 thực hiện chủ trương di dân, xây dựng vùng kinh tế mới, giao đất thực hiện Chương trình 327/661, đến nay chuyển sang giao khoán đất lâm nghiệp, các hộ dân cư không có đất ở đất sản xuất.

Nghiên cứu, cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại các cụm tuyến dân cư đã ổn định và có nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội theo quy hoạch, phục vụ yêu cầu phát triển nông thôn mới ở địa phương. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hợp đồng khoán, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trồng rừng, bảo vệ rừng…

giaokhoan2.jpg
Chủ trì hội thảo. (Ảnh: HNV)

Phân tích về một số chủ trương của Đảng khi giao khoán trong các công ty nông nghiệp, ông Trịnh Quang Hân, Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách chiến lược Trung ương chỉ ra, khoán rừng và đất lâm nghiệp là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu tạo động lực kinh tế khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Trong nhiều năm qua, công tác khoán đã thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia quản lý bảo vệ, phát triển rừng, ổn định dân cư.

Đề xuất các giải pháp giao khoán phù hợp điều kiện mới

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi thẳng thắn, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách giao, nhận khoán trong các công ty nông nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời cũng qua đó chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp về giao khoán và tổ chức quản lý, sử dụng đất đai trong các công ty nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất; tổ chức sản xuất ở các công ty nông nghiệp trong bối cảnh có những yêu cầu đòi hỏi mới về thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra các đại biểu đã cùng nhau trao đổi thông tin về tình hình giao khoán tại các công ty nông nghiệp từ năm 2014 đến nay; tình hình thực hiện chính sách giao khoán trong một số đơn vị: Tổng công ty Chè Việt Nam, Tổng công ty Cà-phê Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam…

giaokhoan4.jpg
Giao khoán có tính trên diện tích rừng trồng. (Ảnh: HNV)

Các đại biểu đều nhất trí cao rằng, chính sách giao khoán rừng và đất lâm nghiệp của Nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngành lâm nghiệp và đất nước, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đã tạo ra nhiều việc làm, ổn định đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân sống phụ thuộc vào rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng rừng và xây dựng nông thôn mới.

Theo các đại biểu, chính sách giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đã có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập trong thực tiễn. Các quy định mới về đối tượng nhận khoán, hạn mức khoán, thời hạn khoán và quyền lợi, trách nhiệm của bên nhận khoán chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả bên khoán và bên nhận khoán trong việc thiết lập hồ sơ và thực hiện hợp đồng.

giaokhoan6.jpg
Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường. (Ảnh: HNV)

Trao đổi với Báo Nhân Dân, Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường bày tỏ mong muốn sau hội thảo, sẽ có nhiều kiến nghị, đề xuất hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền lợi cho người nông dân nhận giao khoán trong các công ty nông nghiệp, đúng với chính sách an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đang đưa ra “không bỏ ai lại phía sau”.

Phân tích về khoán đất tại các công ty nông nghiệp và ý nghĩa đối với đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu (EUDR) cùng tiềm năng về thị trường nông sản của Việt Nam trong tương lai, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Giám đốc Fores trends nêu bật, các công ty nông, lâm nghiệp đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ về hình thức vận hành và các hoạt động, bao gồm các hoạt động sử dụng đất, bảo vệ rừng để đáp ứng với các yêu cầu mà Đảng và Chính phủ đặt ra, phù hợp với bối cảnh phát triển mới.

giaokhoan5.jpg
Giao khoán giúp gia tăng hiệu quả bảo vệ rừng. (Ảnh: HNV)

Tuy nhiên, hiện, vẫn còn một số tồn tại trong các công ty, đặc biệt có liên quan tới việc sử dụng đất. Một số tồn tại do yếu tố lịch sử để lại, số khác là kết quả của các hạn chế trong việc thực thi chính sách, một phần là do thiếu nguồn lực thực thi. Một số tồn tại khác hình thành trong thời gian gần đây, trong bối cảnh cầu về thị trường hàng hóa nông lâm sản gia tăng, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu và điều này tạo động lực cho việc mở rộng đất đai canh tác.

“Ngành lâm nghiệp đang hội nhập sâu rộng với thế giới, với cơ hội thị trường mở rộng đối với các mặt hàng nông lâm sản. Cơ hội cũng tạo ra bởi tiềm năng của thị trường carbon rừng trong tương lai. Tuy nhiên, các cơ hội này song hành cùng với các thách thức, bao gồm các tồn tại trong khâu sử dụng đất cùng cả các tồn tại trong các hoạt động khoán đối với hộ.

Cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm sản được sản xuất trên các diện tích đất lâm nghiệp và cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon rừng chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các tồn tại trong khâu sử dụng đất, bao gồm tồn tại trong các hình thức khoán, được giải quyết triệt để”, Tiến sĩ Tô Xuân Phúc nêu rõ.

Xem thêm