Ngày 11/7, tại Hội thảo trao đổi một số nội dung để có cơ sở tổng hợp, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam lưu thông trong nước do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức tại Hà Nội, đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp đã chỉ rõ những bất cập hiện hành liên quan đến vấn đề ghi nhãn xuất xứ hàng hóa.
Theo đó, mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định về nội dung bắt buộc phải có trên nhãn hàng hóa, trong đó có thông tin về xuất xứ theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, song chưa có tiêu chí pháp lý rõ ràng để xác định thế nào là “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” khi tiêu thụ trong nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: “Việc xác định xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp doanh nghiệp có cơ sở minh bạch hóa thông tin, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ quá trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt. Cục Xuất nhập khẩu mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện hệ thống tiêu chí một cách đồng bộ, khả thi và hiệu quả trong triển khai thực tế”.
Cụ thể, bà Bùi Thị Thùy Dương, đại diện Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia cho biết: “Thực tiễn ghi nhãn hiện nay khiến không ít doanh nghiệp gặp lúng túng, trong khi người tiêu dùng bị đánh lừa bởi hàng gắn mác Việt nhưng thực chất là sản phẩm lắp ráp đơn giản từ nguyên liệu nhập khẩu”.
Sự thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng và sức cạnh tranh của hàng Việt mà còn khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong kiểm tra, xử lý các trường hợp gian lận xuất xứ.
Các ý kiến tham luận cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, việc ban hành tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là cần thiết, tuy nhiên cần có cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng ngành. Cụ thể, với ngành điện tử, linh kiện nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn, trong khi ngành thực phẩm hoặc nông sản lại có thể nội địa hóa gần như hoàn toàn.
Đặc biệt, một số giải pháp ứng dụng công nghệ số cũng được đề xuất để hỗ trợ minh bạch hàng hóa xuất xứ hàng hóa. Theo đó, có thể triển khai nền tảng khai báo số liệu đầu vào, kết nối doanh nghiệp với cơ quan quản lý, qua đó tự động xác định điều kiện được ghi “sản xuất tại Việt Nam”. Cùng với đó, việc ứng dụng mã QR, blockchain, RFID…để truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao niềm tin và trách nhiệm công khai thông tin đến người tiêu dùng.