Hiện nay, tàu bay không còn khả năng khôi phục tính năng bay nhưng lại là tài sản có ích để sử dụng làm giáo cụ trực quan cho sinh viên. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị giao cho Học viện Hàng không Việt Nam tiếp nhận để chuyển đổi thành mô hình, giáo cụ trực quan phục vụ đào tạo.
Không đủ điều kiện bán đấu giá
Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết, tàu bay Boeing B727-220 vốn thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA) mang quốc tịch Campuchia, số hiệu đăng ký XU-RKJ, do gặp sự cố đỗ tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007.
Ngày 5/8/2014, Cảng Nội Bài có báo cáo tàu bay này không được khai thác từ năm 2007, ảnh hưởng đến hoạt động của cảng và kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam tiến hành các thủ tục xử lý. Trên cơ sở đó, Cục Hàng không Việt Nam gửi thông báo tới Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và Ủy ban Nhà nước về Hàng không dân dụng Campuchia yêu cầu nhận lại tàu bay.
Ủy ban Nhà nước về Hàng không dân dụng Campuchia phản hồi: Giấy phép khai thác (AOC) của RKA đã bị thu hồi; tàu bay bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia từ ngày 13/10/2008 và Campuchia đồng ý để Việt Nam xử lý tàu bay theo pháp luật Việt Nam. Cục xác định tàu bay bị bỏ và sẽ xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam. Bộ Tài chính đã có quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản, tuy nhiên tàu bay chưa được xác định giao cho cơ quan, đơn vị cụ thể nào là “đơn vị chủ trì quản lý tài sản".
Cục Hàng không Việt Nam tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn Công ty Thẩm định giá VNG Việt Nam tiến hành thẩm định giá trị tàu bay. Theo chứng thư thẩm định, giá, tàu bay được xác định có giá 1 tỷ 762 triệu đồng, tuy nhiên, do hạn chế về mặt thông tin của tài sản, đơn vị thẩm định giá cũng gặp hạn chế trong việc xác minh, kiểm chứng thông tin. Tổ đánh giá tình trạng kỹ thuật tàu bay nhận định: tình trạng kỹ thuật của tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, không thể phục hồi và không đáp ứng các tiêu chuẩn về đủ điều kiện bay theo quy định của Việt Nam và quốc tế.
Năm 2021, Cục Hàng không Việt Nam liên hệ với Boeing để định giá tài sản tàu bay B727, Boeing xác nhận vào ngày 14/5/2021, giá trị thương mại bằng 0 và có gợi ý tháo dỡ để thu hồi vật chất. Thực trạng kỹ thuật của tàu bay không đủ điều kiện kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn để bán đấu giá.
Trong giai đoạn này, Cục đã đề xuất phương án bán đấu giá dưới dạng sắt vụn và việc xác định giá khởi điểm của tài sản bán do Cục chủ động xác định để nhanh chóng di chuyển tàu bay, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động khai thác của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; hoặc sử dụng tàu bay vào mục đích làm đồ dùng học tập hoặc phục vụ diễn tập phòng, chống khủng bố trong hoạt động hàng không dân dụng.

Tài sản thẩm định giá do không có hồ sơ pháp lý, hồ sơ kỹ thuật hay các tài liệu liên quan đi kèm; Việt Nam không có hãng hàng không nào hiện đang khai thác dòng tàu bay này; kết quả thẩm định giá được đưa ra trong điều kiện hạn chế về mặt thông tin giao dịch do tài sản thẩm định giá là đặc thù, chưa có tiền lệ giao dịch tại Việt Nam.
Trên thế giới, cũng ít khi xảy ra giao dịch tương tự. Các tài sản đưa vào làm tài sản so sánh có thời điểm xa nhất từ năm 2015, vì vậy, đơn vị thẩm định giá gặp hạn chế trong việc xác minh, kiểm chứng thông tin tài sản so sánh thu thập.
“Do Cục Hàng không Việt Nam không đủ điều kiện, không có chức năng định giá tài sản, phải dựa vào kết quả đơn vị định giá đưa ra làm căn cứ triển khai bán đấu giá. Trường hợp tài sản bán đấu giá là tàu bay bị xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng và không thể phục hồi, tại Việt Nam chưa có tiền lệ và thế giới cũng không có trường hợp tương tự, Cục nhận thấy không đủ cơ sở và thiếu thuyết phục trong quá trình phê duyệt giá khởi điểm của tài sản mà bên định giá đưa ra”, ông Đỗ Hồng Cẩm nhận định.
Chuyển giao làm mô hình đào tạo
Đưa ra giải pháp xử lý vướng mắc, Cục Hàng không Việt Nam đã trao đổi với Học viện Hàng không Việt Nam phối hợp trong việc xây dựng phương án xử lý đối với tàu bay “bỏ quên” và Học viện Hàng không Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn được sử dụng tàu bay này làm mô hình, giáo cụ thực hành, thực tập trong cơ sở đào tạo chuyên ngành về hàng không.
Học viện sẽ phối hợp cùng với các cơ quan liên quan, tiến hành tiếp nhận tàu bay, thuê các đơn vị khảo sát, lập phương án tháo lắp, di chuyển khả thi về trụ sở Học viện tại Cam Ranh (Khánh Hòa) hoặc tại Long Thành (Đồng Nai).

Theo tính toán, chi phí mua máy bay làm mô hình dạy học nhập từ nước ngoài với các tiêu chuẩn hàng không ước tính 500 tỷ đồng. Trong khi đó, Học viện Hàng không Việt Nam tính toán chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt, hoàn thiện bàn giao (nếu được chuyển giao cho Học viện) chỉ ở mức dưới 10 tỷ đồng.
Học viện là cơ sở giáo dục đại học đầu ngành trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước về lĩnh vực hàng không dân dụng; có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam và các nước trong khu vực.
Học viện Hàng không Việt Nam cũng cam kết bảo đảm đủ nguồn tài chính để tiếp nhận tàu bay như (tháo lắp, vận chuyển tàu bay, sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng) từ nguồn thu học phí, nguồn tài trợ,... không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.
Các chuyên gia ngành hàng không đánh giá, tàu bay bị bỏ lại tại sân bay Nội Bài mặc dù không còn khả năng khôi phục tính năng bay nhưng lại là tài sản có ích để sử dụng làm giáo cụ trực quan. Các sinh viên hàng không trong quá trình học tập, đào tạo có điều kiện được tiếp xúc với loại tàu bay, trang thiết bị tàu bay phù hợp với hệ tiêu chuẩn và công nghệ hiện tại để thực hiện miêu tả trực quan, tháo-lắp bên ngoài và bên trong như tháo lắp ghế, hệ thống đèn chiếu sáng,....
Máy bay còn đầy đủ các kết cấu như khung sườn, hàng ghế, buồng càng, buồng lái, các loại đồng hồ hiển thị,... công nghệ của máy bay hiện vẫn đang được áp dụng trong ngành hàng không. Ngoài ra, các thành phần cấu tạo chính của động cơ vẫn đầy đủ, yếu tố rất quan trọng trong đào tạo kỹ thuật bảo dưỡng vì đây là một dạng thiết bị rất khó tìm và mô phỏng rất phức tạp.
“Nếu không có giáo cụ trực quan sinh động cho việc đào tạo nhân lực ngành hàng không thì việc này trở nên lý thuyết hóa, xa rời các quy định pháp luật về hàng không dân dụng, không phù hợp với nền giáo dục hiện đại hiện nay. Mô hình tàu bay này là giáo cụ cần thiết cho việc đào tạo gắn với thực tiễn, gắn với quy định pháp luật và giúp làm giảm đáng kể chi phí mua thiết chuyên dụng tại nước ngoài về phục vụ đào tạo”, ông Đỗ Hồng Cẩm đánh giá.