Phát huy tổ quản lý cộng đồng
Chúng tôi đến vùng biên giới tỉnh Đồng Tháp vào đúng thời điểm đầu mùa lũ (người dân miền Tây còn gọi là mùa nước nổi). Lúc này, dòng sông Sở Thượng từ biên giới Việt Nam-Campuchia chảy tràn ra các nhánh sông, kênh rạch. Lượng phù sa, tôm cá theo dòng nước về. Cũng như những năm gần đây, mùa lũ năm nay, lượng cá sông về không nhiều.
Tuy nhiên, tại một khúc sông Sở Thượng, thuộc phường Thường Lạc, nối dài ra hướng sông Tiền, thuộc phường Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, lượng cá tự nhiên nơi đây đang trú ngụ ngày một nhiều lên.
Nơi mà các đàn cá xem là “nhà” an toàn nhất để “ở” chính là khu vực bến sông Đình thần An Bình. Tháng 2/2024, lãnh đạo thành phố Hồng Ngự khi ấy (nay là phường Hồng Ngự) có gặp ông Trương Minh Hải, giữ chức Kế hiền, Ban tế tự Đình thần An Bình kêu gọi chọn bến nước của đình để làm điểm thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản.
“Lúc đầu tiên, tôi thả 996 kg cá giống với khoảng 30.000 con. Sau này, với mong muốn cá ngày một nhiều thêm, Ban Tế tự của đình và người dân ngày nào cũng tự đến bến đình để thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đến nay khó có thể tính toán được bao nhiêu cá ở bến nước đình thần nhưng ước cũng phải 50 đến 70 tấn cá các loại”, ông Trương Minh Hải, Tổ trưởng Tổ cộng đồng Đình thần An Bình cho biết.
Bến nước Đình thần An Bình giờ được xem là trung tâm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bến nước đình này là một trong những khu vực nằm trong phạm vi bảo tồn nguồn lợi thủy sản hiện nay trên địa bàn của ba phường: An Bình, Hồng Ngự và Thường Lạc, với diện tích mặt nước là 140 ha. Phạm vi bảo tồn nguồn lợi thủy sản tại đây cũng được chia làm 4 hướng dọc sông Tiền và sông Sở Thượng.
Hằng ngày, ngoài lượng thức ăn sẵn có trong tự nhiên, người dân còn mang cơm, rau củ, trái cây... đến cho cá ăn; nhiều người còn góp tiền mua thêm thức ăn cho đàn cá.
Chuyện bảo vệ cá, chống sự xâm nhập khai thác cá tại đây cũng hết sức đặc biệt. Do cá sống trong môi trường tự nhiên, được bơi ra vào các đống chà ở bến sông đình, nên tổ cộng đồng không đăng lưới nhốt cá.
Tuy nhiên, trước tình trạng cá ngày một nhiều, ông Trương Minh Hải đã xuất tiền túi ra làm các cầu phao bao quanh khu vực bến sông đình. Mỗi lần làm cầu phao tốn chi phí hàng chục triệu đồng. Việc làm này nhằm ngăn chặn những người muốn xâm nhập vào đánh bắt cá. Ông Hải cũng đã thuê một người canh giữ bến sông đình. Tiền thuê người giữ bến được ông trích một phần tiền gia đình và tiền du khách đến mua thức ăn cho cá.
Cá được phát triển với mục đích tái tạo nguồn lợi thủy sản, do đó, ông Hải cho biết các thành viên trong tổ tuyệt đối không đánh bắt cá nhằm mục đích tạo sinh kế. “Thời gian qua, khi biết ở Hồng Ngự có đàn cá tự nhiên, xuất hiện ngày một nhiều, nhiều đoàn du lịch cũng đã đưa du khách đến tham quan.
Qua đây cũng góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, phát triển ngành du lịch cho tỉnh. Đồng thời, các dịch vụ ăn uống của bà con nhân dân trong khu vực cũng hút khách tìm đến. Riêng tổ cộng đồng hoạt động trên tinh thần thiện nguyện, hoàn toàn không nhận bất cứ khoản tiền nào”, ông Trương Minh Hải phấn khởi cho biết.
Nâng cao năng lực quản lý, tạo sinh kế
Ngoài Tổ cộng đồng Đình thần An Bình, tỉnh Đồng Tháp còn có bốn tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các tổ này đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và đặc biệt là tạo ra những sinh kế mới, bền vững để bà con ngư dân an tâm gắn bó với nghề, với quê hương.
“Tổ có 23 thành viên, quản lý hơn 1.000 bè, chức năng chính là tuần tra, bảo vệ bè cá của người dân trong vùng được an toàn. Ngoài ra, còn tổ chức nuôi cá để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Cách làm này đã góp phần tạo sinh kế cho người dân trong khu vực”.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hiệp Trần Văn Hùng cho biết.
Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Mỹ Hiệp, tỉnh Đồng Tháp được thành lập từ tháng 6/2023. Tổ được đưa vào hoạt động nhằm bảo vệ, phát hiện những trường hợp dùng xung điện đánh bắt hoặc thuốc cá, tôm trái phép.
“Tổ có 23 thành viên, quản lý hơn 1.000 bè, chức năng chính là tuần tra, bảo vệ bè cá của người dân trong vùng được an toàn. Ngoài ra, còn tổ chức nuôi cá để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Cách làm này đã góp phần tạo sinh kế cho người dân trong khu vực”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hiệp Trần Văn Hùng cho biết.
Theo Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, hiện năm tổ cộng đồng đều nằm trong Dự án “Nâng cao năng lực quản lý, tạo sinh kế người dân tham gia mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch ở tỉnh Đồng Tháp”, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP/GEF SGP) tài trợ.
Dự án đề ra mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho ban đại diện các tổ cộng đồng; tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập cho các thành viên tham gia thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm, canh tác lúa theo hướng hữu cơ, sinh học và nuôi trồng thủy sản. Thời gian thực hiện dự án đến tháng 9/2026.
Dự án cũng hỗ trợ kỹ thuật bằng vốn ODA không hoàn lại như: Hỗ trợ xuồng, máy và áo phao cho các tổ cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tận dụng phương tiện đưa rước khách tham quan du lịch...
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Chương trình Phát triển Liên hợp quốc - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu cho biết: Dự án tại Đồng Tháp có sự tham gia giữa chính quyền địa phương, người dân thực hiện công tác đồng quản lý. Địa phương đã trao quyền cho người dân trong việc quản lý một khu vực nhất định để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên của dự án thực hiện mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực nội đồng. Quá trình hoạt động, các tổ đồng quản lý đã tiên phong trong tập hợp người dân về công tác cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Các tổ cộng đồng ở Đồng Tháp đã có sự quan tâm rất lớn đến hệ sinh thái. Mỗi tổ có cách thức hoạt động hoàn toàn khác nhau, do đó, cần phát huy được lợi thế của từng tổ về các mô hình đồng quản lý và phát triển du lịch. Bước đầu, dự án đã giúp bảo tồn nguồn lợi thủy sản và phát triển du lịch cộng đồng rõ nét hơn, được quốc tế ghi nhận”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết.
Hiện, tỉnh Đồng Tháp có hơn 110 điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn, trong đó có nhiều điểm phục vụ du khách trải nghiệm: Tát mương, bắt cá, cắt vó, đặt lờ...
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, gần đây, bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm. Người nông dân cũng đã sẵn sàng thay đổi quy trình sản xuất theo hướng bền vững, sẵn sàng đón khách tham quan, trải nghiệm.
Dự án “Nâng cao năng lực quản lý, tạo sinh kế người dân tham gia mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch ở tỉnh Đồng Tháp” đã góp phần giải quyết những thách thức hiện tại, mở ra những hướng đi mới, bền vững hơn cho ngành thủy sản và du lịch của tỉnh nhà, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cho toàn xã hội.