Ngày 11/7, tại Hà Nội, Báo Tiền Phong đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “30 năm quan hệ Việt-Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững”. Tham dự sự kiện có đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế-đối ngoại, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, cùng lãnh đạo các tập đoàn, công ty tiêu biểu của hai nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng, cho biết: Tọa đàm “30 năm quan hệ Việt-Mỹ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững” được tổ chức với mong muốn trở thành một diễn đàn đối thoại cởi mở và thực chất, quy tụ ý kiến đa chiều từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả, tổ chức xúc tiến thương mại, cộng đồng doanh nghiệp - những người đang ở tuyến đầu của hợp tác Việt-Mỹ, những người đang trực tiếp góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương trên thực tế.

Cơ hội đột phá để Việt Nam tăng cường nội lực
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, hành trình quan hệ Việt-Mỹ là hành trình tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin. Hành trình 30 năm qua, quan hệ Việt-Mỹ không xuôi chiều, mát mái mà luôn phải vượt qua các khó khăn, thách thức để đạt được như ngày hôm nay.
Theo nhận định của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, quan hệ Việt-Mỹ từ 1995 đến nay “song trùng” với quá trình đổi mới, hội nhập, cải cách của Việt Nam, và hai vấn đề này tác động lẫn nhau.
Liên quan đến vấn đề thuế quan của Mỹ trong bối cảnh hiện nay, nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh nhìn nhận, thực trạng mới có nhiều phức tạp, nhưng cũng có thể nhận thấy nhiều cơ hội, là động lực để phát huy nội lực, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nền kinh tế trong mối quan hệ với Mỹ.

Trao đổi tại tọa đàm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, còn rất nhiều dư địa của hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ và ngược lại. Hai nước bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh hoàn toàn. Việt Nam có nhiều lợi thế khác, có 101 triệu dân, chi phí nhân công hợp lý, cải cách đang diễn ra sôi động. Việt Nam, với cải cách nội tại, đang có nhiều cơ hội hơn là thách thức. Đây là cơ hội đột phá để Việt Nam tăng cường nội lực.
Đánh giá về tác động kết quả đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ đối với thương mại song phương trong thời gian tới, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Về cơ bản Việt Nam đang làm tốt. Chúng tôi kỳ vọng và tin là kết quả sẽ tích cực cho cả Việt Nam và Mỹ. Tiếp xúc nhiều doanh nghiệp, tôi thấy phấn khởi là doanh nghiệp Việt Nam thích ứng nhanh. Họ đã tìm kiếm một số thị trường và địa bàn khác để đa dạng hóa đầu vào và đầu ra chứ không ngồi chờ chính sách, chờ kết quả đàm phán. Họ cũng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động trong nước, cơ cấu lại, tích cực tham gia đối thoại giữa hai nước để bảo đảm kết quả đàm phán khả quan. 30 năm quan hệ hai nước, khó khăn thật nhưng chúng ta đã vượt qua. Thời kỳ khó khăn nhất đã qua, thì không có lý do gì để chúng ta không tiếp tục phát huy”.

Quan hệ Việt Nam-Mỹ đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất
Dưới góc độ nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Nghiêm Tuấn Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và an ninh, Viện Nghiên cứu châu Âu và châu Mỹ cho rằng, không nên nhìn vấn đề thuế quan một cách đơn thuần trong quan hệ song phương, mà cần đặt trong tổng thể hệ thống thương mại toàn cầu.
Từ tháng 4 đến nay, theo Tiến sĩ Nghiêm Tuấn Hùng, những diễn biến liên quan đến mức thuế mới được Mỹ xem xét áp dụng khiến giới nghiên cứu tại Việt Nam “rất sốt ruột”. Với mức thuế áp 20% từ Mỹ với Việt Nam, Tiến sĩ Nghiêm Tuấn Hùng cho rằng cần có cách tiếp cận lạc quan nhưng thận trọng. Việc đánh giá thận trọng nên dựa vào cơ sở đàm phán từng mặt hàng, theo dõi luồng trung chuyển và bản chất thực tế của từng giao dịch.
Tiến sĩ Nghiêm Tuấn Hùng nhấn mạnh sự kỳ vọng vào hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp để công nghiệp hoá nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo tồn nguồn gene bản địa và phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực cảng biển cũng là một tiềm năng lớn, với kỳ vọng Việt Nam có thể trở thành một “Singapore thứ hai”.
Đặc biệt, Tiến sĩ Nghiêm Tuấn Hùng đề cao vai trò của đầu tư chất lượng cao từ Mỹ không chỉ mang lại công nghệ mà còn hỗ trợ Việt Nam kiểm soát chuỗi giá trị xuất khẩu ngay từ bên trong lãnh thổ.

Theo Tiến sĩ Nghiêm Tuấn Hùng, quan hệ Việt-Mỹ hiện đang ở mức tốt đẹp nhất trong 30 năm qua và có triển vọng tiếp tục đi lên. Việc hai bên duy trì đối thoại, thiện chí và cùng nhau xử lý các thách thức sẽ mở ra cơ hội hợp tác bền vững và cân bằng trong tương lai.
Liên quan việc đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ, ông Vũ Tú Thành - Trưởng đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) tại Việt Nam nhận định, trong đàm phán, Việt Nam có lợi thế của người đi đầu. Lần này Việt Nam đã chủ động, xác định chính quyền Tổng thống Donald Trump khác rất nhiều các đối tượng đàm phán trước đây, do đó buộc phải đi cách khác. Cùng với đó là chủ trương của lãnh đạo cấp cao, cùng cải cách quy mô sâu rộng chưa từng có tại Việt Nam. Tất cả tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam chủ động hơn các nước khác.
“Thời gian sắp tới, về thuế quan, còn nhiều việc phải làm nhưng so sánh vị thế của Việt Nam với các đối tác của Mỹ đang thuận lợi hơn so với các nước khác. Các doanh nghiệp yên tâm phần nào về định hướng của đàm phán, vì hai bên thể hiện rất rõ muốn đạt thỏa thuận”, ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Vũ Tú Thành cũng lưu ý rằng, thỏa thuận này không phải một hiệp định thương mại tự do song phương truyền thống. Từ góc độ Mỹ, đây không phải là văn bản pháp lý cần Quốc hội phê chuẩn, mà là văn bản hành pháp, chính vì thế tính ổn định không được như văn bản cần Quốc hội phê chuẩn.
Kỳ vọng có một thỏa thuận cân bằng mang tính chiến lược dài hạn
Với vai trò là doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm, ông Olivier Marquette - Chủ tịch AES Việt Nam cho biết, AES là một trong những doanh nghiệp Mỹ, nhà đầu tư Mỹ lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Một trong những dự án lớn của AES tại Việt Nam là xây dựng và vận hành nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 với tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD. AES cũng đang phát triển các dự án điện khí hoá lỏng tại Việt Nam.
Về các vấn đề liên quan đến mức thuế quan Việt Nam-Mỹ, ông Olivier Marquette nhìn nhận, yếu tố thuế quan sẽ tác động nhất định đến doanh nghiệp tại Việt Nam, gây ra ảnh hưởng nhiều lĩnh vực, trong đó cả nguồn cung ứng hàng hoá, giá cả.
Ông Olivier Marquette cũng cho rằng, mức thuế quan sẽ tác động đến xây dựng kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có cải thiện nhất định về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch AES Việt Nam nhấn mạnh và kỳ vọng rằng, các dự án về điện khí hoá lỏng tại Việt Nam của AES sẽ góp phần giúp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Về phần mình, ông Ashish Joshi - Tổng Giám đốc điều hành Suntory PepsiCo Việt Nam, cho biết, ngay sau khi bình thường hóa quan hệ ngày 3/2/1994, dây chuyền ở nhà máy Suntory PepsiCo đã vận hành. Câu chuyện của công ty ở Việt Nam trong 30 năm qua là câu chuyện thành công của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trở thành nguồn cảm hứng thu hút các doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Nhấn mạnh sứ mệnh của Suntory PepsiCo là ở đây vì Việt Nam và phát triển cùng Việt Nam, ông Ashish Joshi chia sẻ, khi kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, thì sự phát triển của Suntory PepsiCo cũng rất nhanh chóng. Khoảng 90% các nhà cung ứng của Suntory PepsiCo là công ty nội địa. Tất cả các sản phẩm công ty sản xuất ở Việt Nam là dành cho người tiêu dùng ở Việt Nam, có nghĩa là, mối bận tâm của công ty đều dành cho người tiêu dùng ở Việt Nam. Đây là điểm mà công ty quan ngại nếu như có phần liên quan đến thuế đối ứng.
Theo ông Ashish Joshi, nếu việc áp thuế trở thành hiện thực, thì có thể làm trầm trọng thêm sự tự tin của người tiêu dùng. Tác động của thuế sẽ sâu rộng cho nhiều ngành khác nhau. Người lao động đến người nông dân đều sẽ bị ảnh hưởng. Làm thế nào để các ngành doanh nghiệp thích ứng và chủ động hơn, củng cố tiêu dùng.
Khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược rất chủ động, khéo léo, mạnh mẽ trong việc đàm phán, ông Ashish Joshi kỳ vọng có một thỏa thuận cân bằng mang tính chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, để bảo đảm các ngành có thể thích ứng được, đòi hỏi giai đoạn chuyển giao cần sự hỗ trợ từ chính phủ.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục có niềm tin vào sự tăng trưởng của Việt Nam. Nên chúng tôi liên tục đầu tư, và đầu tư mạnh mẽ. Về mặt sản xuất, mặc dù đã có 5 nhà máy ở Việt Nam trong 30 năm qua, nhưng vừa năm ngoái, chúng tôi đã khởi công nhà máy thứ 6 tại Long An (nay là tỉnh Tây Ninh). Đây là nhà máy có vốn đầu tư lớn nhất trong 30 năm của chúng tôi tại Việt Nam, là nhà máy tiên tiến nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Tổng Giám đốc điều hành Suntory PepsiCo Việt Nam Ashish Joshi cho biết.
Tại tọa đàm, với những góc nhìn đa chiều, các đại biểu cũng đã làm rõ những cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới cũng như gợi mở những định hướng hợp tác thiết thực giữa hai nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tiếp theo; góp phần thúc đẩy thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững.