Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, đó là kết quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập toàn diện, sâu rộng vì hòa bình và phát triển.
Quan hệ Việt Nam-Mỹ phát triển vì hai bên xây dựng được lòng tin, chia sẻ lợi ích chiến lược và cam kết hợp tác thực chất.
Bốn yếu tố quyết định để hai nước đạt được những bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương gồm: Tầm nhìn và quyết tâm chính trị từ lãnh đạo hai nước; nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền và thể chế chính trị của mỗi bên; nỗ lực chung trong khắc phục hậu quả chiến tranh; và động lực mạnh mẽ từ hợp tác kinh tế, thương mại.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh, quan hệ Việt Nam-Mỹ giữ được sự ổn định và đà phát triển tích cực. Điều này cho thấy đây là mối quan hệ có chiều sâu chiến lược, mang tính bổ trợ lẫn nhau, có khả năng thích ứng và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Hai nước có thể ưu tiên thúc đẩy hợp tác ở các lĩnh vực nổi bật, như kinh tế-thương mại-đầu tư, với trọng tâm là công nghệ cao, chuỗi cung ứng, nông nghiệp công nghệ và chuyển đổi số; hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch và y tế; giáo dục đào tạo nhân lực chất lượng cao, cùng quốc phòng-an ninh, giao lưu nhân dân và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế, học giả Fulbright thường trú tại Đại học Mỹ (AU) cho rằng, lòng tin là yếu tố quan trọng nhất trong 30 năm qua.
Lòng tin được phát triển trên cơ sở quyết tâm vượt qua và giải quyết những di sản chiến tranh. Việt Nam hiện nay còn rất nhiều nạn nhân chất độc da cam, bom mìn, nhiều khu vực cần xử lý độc.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải kỳ vọng, Mỹ sẽ nối lại đầy đủ các chương trình hỗ trợ, qua đó củng cố lòng tin và thúc đẩy quan hệ song phương phát triển bền vững.