Những làn điệu và trích đoạn chèo truyền thống vẫn vô cùng hấp dẫn. Trong ảnh: Một vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam.
Những làn điệu và trích đoạn chèo truyền thống vẫn vô cùng hấp dẫn. Trong ảnh: Một vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Đi tìm "đất sống" cho chèo…

Đã lâu lắm rồi, giới sân khấu mới có một cuộc hội tụ của nhiều tên tuổi sáng giá đến vậy. Tại Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại do Nhà hát Chèo Việt Nam vừa tổ chức mới đây, họ đã cùng đưa ra những báo động đỏ về sự khủng hoảng của ngành nghệ thuật truyền thống này.

Nỗi xót xa của những người làm chèo

TS Trần Đình Ngôn, tác giả có số lượng kịch bản chèo được dàn dựng nhiều nhất của ngành chèo, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, ngậm ngùi chia sẻ: "Là người gắn bó cả cuộc đời với nghệ thuật chèo tôi vô cùng xót xa khi chứng kiến có những đạo diễn, những đơn vị nghệ thuật chèo đã đi chệch hướng khi dàn dựng cho chèo. Hiện nay, có rất nhiều vở diễn xây dựng theo khuynh hướng kịch hát mới, kịch pha ca nhưng họ vẫn gọi đó là chèo. Đặc biệt là có không ít vở mặc dù được trao giải thưởng cao ở những cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng tôi cho rằng đó là những vở diễn đang đi ngược lại với những đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống. Đáng lo ngại là nếu các vở diễn này cứ được gọi là chèo và đi diễn phục vụ khán giả, lâu dần khán giả cũng sẽ không còn hiểu đâu là một vở chèo đích thực".

Nhiều tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ bày tỏ sự lo lắng về hiện trạng một số địa phương tiến hành sáp nhập các đơn vị nghệ thuật ở nhiều loại hình vào một trung tâm văn hóa nghệ thuật theo hướng tinh gọn nhưng cách làm và quan điểm của mỗi địa phương một khác dẫn tới một số đơn vị nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là chèo đã bị mất đi thế mạnh và bản sắc của mình. NSND Thanh Ngoan chia sẻ: "Tôi hát chèo mà có khán giả nói: Chị Ngoan ơi, chị hát hay nhỉ. Em nghe chị hát chèo như chầu văn, như hát xẩm…". Khán giả khen tôi hát hay mà không biết họ đang nghe tôi hát ở loại hình nghệ thuật nào…

Từ nhiều năm nay, câu chuyện tồn tại và phát triển của nghệ thuật truyền thống trong xã hội đương đại luôn là bài toán khó không chỉ đối với giới nghệ sĩ mà cả với các nhà quản lý văn hóa. Dù nghệ thuật dân tộc đã nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện nhưng do nhiều nguyên nhân, những "viên ngọc quý" vẫn đang lâm vào cảnh bấp bênh và ngày càng "èo uột".

Ðể "ngọc quý" được tỏa sáng

Nhằm gỡ khó cho chèo, nhiều giải pháp thấu đáo đã được các nghệ sĩ, nhà quản lý đề xuất và bàn thảo. PGS, TS Phạm Duy Khuê cho rằng, đội ngũ những người làm chèo ở nước ta hiện thời chưa nhận diện được con người và đời sống đương đại, chưa thật sự nắm vững và thực hiện thi pháp nghệ thuật chèo cách mạng, càng mơ hồ về thi pháp chèo đương đại. Phải chăng đây là lý do mà ngay cả những đạo diễn, nghệ sĩ gạo cội có tên tuổi cũng bị nhầm lẫn khi dàn dựng, dẫn tới hiện tượng "gieo vừng ra ngô" trên sân khấu chèo.

TS Trần Đình Ngôn cho rằng, khán giả đương thời không ít người xem chèo với cặp mắt của người xem kịch nói, dùng những khái niệm của kịch nói để thẩm định một vở chèo. Trong số những người này có cả các cán bộ của cơ quan quản lý nghệ thuật ở Trung ương, cơ quan quản lý nghệ thuật ở địa phương và không ít nhà báo. Với sự hạn chế hiểu biết về chèo, họ đã cổ vũ cho các vở "kịch nói cắm hát chèo" thay cho việc khẳng định sự thành công của các vở diễn kế thừa và phát triển được nghệ thuật chèo truyền thống. Ông nhấn mạnh, sự thiếu hiểu biết về chèo khiến cho nhiều khán giả không đến với chèo. Vì vậy, ông cho rằng: "Tích cực tuyên truyền, giới thiệu về chèo cho công chúng khán giả là việc cần thiết và phải tiến thành thường xuyên bởi trong công chúng khán giả luôn có sự tiếp nối của các thế hệ. Các đơn vị nghệ thuật chèo không thể coi chỉ làm một đợt là đủ và càng không thể trông đợi ai làm việc đó thay mình, phải chấp nhận việc không có doanh thu trong các hoạt động nhằm tạo dựng một môi trường sống bền vững cho nghệ thuật chèo".

Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong nghề, NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đề xuất, ngành Văn hóa và Giáo dục cần phối hợp đưa văn hóa, nghệ thuật truyền thống vào nhà trường như một môn học chính thức để tạo vốn hiểu biết và cũng là tiền đề cho việc nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng nghệ thuật cho tương lai. Đồng thời, cần có thiết chế "cứng" để kết hợp chặt chẽ văn hóa truyền thống với du lịch, giúp các đơn vị nghệ thuật có "đất sống", từ đó có thể toàn tâm toàn ý tập trung nâng cao chất lượng nghệ thuật phục vụ khán giả. Bên cạnh đó, cần xem xét, điều chỉnh định mức và quy định về kinh phí đầu tư cho nghệ thuật truyền thống trong công tác truyền thông, quảng bá, cũng như các hoạt động tạo thói quen thưởng thức cho khán giả...

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó có Đề án "Nâng cao năng lực cảm thụ nghệ thuật trong các trường phổ thông" hướng tới mục tiêu chính là đào tạo khán giả. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đang xây dựng Đề án sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật Trung ương, trong đó có nội dung phát triển lực lượng sáng tạo bao gồm nghệ sĩ, đạo diễn, biên kịch… Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước đã lắng nghe và sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các đề án, xây dựng các giải pháp cho nghệ thuật biểu diễn nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng sao cho sát với thực tế và đạt hiệu quả cao nhất.

Xem thêm