Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân. Khi nạn nhân “sập bẫy”, chúng dùng vũ lực khống chế, ép buộc ra nước ngoài làm việc trả nợ, hoặc móc nối với các “đại lý” ở nước ngoài, đưa người từ Việt Nam sang làm lao động cho các trung tâm lừa đảo trực tuyến và nhận khoản “phí giới thiệu” lên tới hàng trăm triệu đồng.
Những "cạm bẫy" sau những viễn cảnh mầu hồng
Trong nước, tình trạng mua bán người nổi lên tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện; đáng lo ngại là hoạt động mua bán trẻ sơ sinh thông qua thủ đoạn cho, nhận con nuôi, làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa thủ tục nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để trục lợi.
Quý I/2025, Bộ Công an tiếp tục phát hiện, điều tra 59 vụ án mua bán người, 186 đối tượng, 244 nạn nhân. Về tình hình giải quyết, xét xử đối với tội phạm mua bán người, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 64 vụ, 205 bị cáo; đã giải quyết 35 vụ, 99 bị cáo.
Qua các chuyên án đấu tranh thành công cho thấy, đằng sau những viễn cảnh màu hồng mà các loại tội phạm vẽ ra là cạm bẫy tàn khốc, nơi người lao động bị biến thành công cụ cho các tổ chức tội phạm, bị bóc lột, đánh đập.

Điển hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An bắt 2 đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo, đưa công dân sang làm việc tại nước ngoài, sau đó bán cho các ổ nhóm tội phạm lừa đảo quốc tế tại các đặc khu Tam giác vàng.
Bùi Thị Thảo và Lê Văn Hà tiến hành hành vi mua bán người trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố dưới chiêu trò dụ dỗ các nạn nhân sang Thái Lan làm việc trên máy tính với mức lương 800 USD/1 tháng.
Thực tế, các nạn nhân bị bán cho các ổ nhóm tội phạm lừa đảo quốc tế tại các đặc khu Tam giác vàng, tại khu tự trị trên lãnh thổ Myanmar, nạn nhân bị bắt ký hợp đồng, bị thu giữ hộ chiếu.
Mỗi người được cung cấp máy tính, điện thoại, hướng dẫn cách tiếp cận, lừa đảo khách hàng. Mỗi ngày, họ phải làm việc từ 12 đến 17 tiếng, dưới sự kiểm soát gắt gao, nếu chểnh mảng sẽ bị đánh đập. Bước đầu xác định 2 đối tượng nêu trên thực hiện hành vi mua bán 6 bị hại.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng trên về hành vi phạm tội “Mua bán người” quy định tại Khoản 3 Điều 150 Bộ luật Hình sự.
Mỗi người hãy là lá chắn bảo vệ chính mình
Tại Tây Nguyên, dù được lực lượng chức năng Công an tỉnh Kon Tum (nay là tỉnh Quảng Ngãi) giải cứu, trở về 3 ngày, song, A Nhanh (sinh năm 2006, thôn Ba Ham, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông (cũ) nay là Xã Đăk Mar, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa hết ám ảnh về nỗi sợ hãi cùng cực của mình.
A Nhanh kể: Trước đó, do công việc ở Bình Dương (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) có thu nhập thấp nên đã lên mạng facebook "tìm" được công việc tại Campuchia với mức lương 1.000 USD/tháng. A Nhanh cùng 2 người nữa được đưa bằng ô-tô qua biên giới.
Khi được giao máy tính, do không biết sử dụng, A Nhanh bị đánh đập, dí roi điện vào ngực. A Nhanh cùng Akun (sinh năm 2005, cùng quê) bỏ trốn, tuy nhiên bị lạc nhau trong rừng và được người dân bản địa đưa về đồn công an Thái Lan.
Còn A Sói (xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum (cũ) nay là Xã Đăk Sao, tỉnh Quảng Ngãi) cũng bị dụ dỗ qua Campuchia, sau 1 năm lưu lạc, không ít lần bị đánh đập, hành hạ, cũng được hỗ trợ về nước.

Đây là 2 trong 4 trường hợp được Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Kon Tum (cũ) hỗ trợ về nước an toàn. Trước đó, tháng 2/2025, 4 công dân tỉnh Kom Tum (cũ) trốn được ra ngoài sau thời gian làm việc tại các công ty lừa đảo ở Campuchia.
Ngay khi nắm được thông tin, Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ nhanh chóng liên lạc với gia đình các nạn nhân để hướng dẫn, vận động về nước. Ngay sau đó, A Kun (sinh năm 2005) và A Kiên (sinh năm 2005) đều cư trú tại xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông (cũ) nay là Xã Đăk Sao, tỉnh Quảng Ngãi cũng được về nước an toàn.
Mới nhất, cuối tháng 5 vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình (cũ) nay là tỉnh Hưng Yên ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 14 đối tượng để điều tra về hành vi “Mua bán người” quy định tại khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự; “Giữ người trái pháp luật” quy định tại Khoản 2 Điều 157 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, lực lượng công an phát hiện một số đối tượng trú tại thôn Kìm, xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình (nay là phường Trần Lãm, tỉnh Hưng Yên), có biểu hiện nghi vấn “chăn dắt” gái hát karaoke, giữ người trái pháp luật.
Khám xét khẩn cấp nơi ở và phòng trọ của Phạm Quang Thành, lực lượng chức năng phát hiện 28 nhân viên nữ, ăn ở tập trung trong khu nhà trọ; chung quanh có tường bao, rào kín dây thép gai, camera theo dõi. Khi đi làm, Thành trực tiếp hoặc phân công người đưa, đón, theo dõi, giám sát không cho nhân viên bỏ trốn.
Hiện, cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra vụ án.
Cuộc chiến chống lại các đường dây lừa đảo, tội phạm mua bán người không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng, cơ quan công an, mà rất cần sự tỉnh táo, cảnh giác của mỗi cá nhân trong xã hội.
Khi mỗi người dân hiểu rõ nguy cơ, nhận thức được hậu quả và chủ động bảo vệ bản thân, là "lá chắn" cho chính mình, thì tội phạm sẽ không có cơ hội thực hiện hành vi phạm pháp.
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1137/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người" và "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7" năm 2025.
Trong đó, tập trung vào công tác phòng, chống mua bán người trong nội địa, mua bán người, nhất là tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi, dưới hình thức lừa đảo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, "việc nhẹ lương cao"; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đang trong quá trình xác định là nạn nhân; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, nhất là đối với các quốc gia có chung đường biên giới, quốc gia có nhiều người Việt Nam đến lao động, học tập, du lịch...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thời gian từ ngày 1/7 đến 30/9/2025; chủ động triển khai hiệu quả các kế hoạch, phương án nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người, nhất là đường dây tội phạm mua bán người.