Sự hài lòng của người dân khi làm dịch vụ trực tuyến là động lực đổi mới ngành tư pháp. (Ảnh: Đỗ Nhẫn)
Sự hài lòng của người dân khi làm dịch vụ trực tuyến là động lực đổi mới ngành tư pháp. (Ảnh: Đỗ Nhẫn)

Bộ Tư pháp thúc đẩy toàn diện về chuyển đổi số

Bộ Tư pháp vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch Hành động triển khai thực hiện Kế hoạch số 02 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về việc thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Kế hoạch Hành động của Bộ Tư pháp được triển khai theo 2 giai đoạn với mục tiêu rõ ràng, phù hợp yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, trong đó giai đoạn đột phá (từ 1/7 đến 31/12/2025) đặt mục tiêu khắc phục những tồn tại trong chuyển đổi số của ngành Tư pháp, hoàn thiện nền tảng số dùng chung, chuẩn hóa và kết nối các cơ sở dữ liệu quan trọng, từ đó nâng cao chất lượng thực chất của dịch vụ công trực tuyến.

Đến cuối năm 2025, tối thiểu 80% hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến

Từ ngày 1/7, 100% hồ sơ, tài liệu công việc phát sinh sẽ được xử lý trên môi trường điện tử; hoàn thành số hóa tối thiểu 30% tài liệu lưu trữ lịch sử có giá trị cao trong năm 2025, làm nền tảng để hoàn thành toàn bộ công tác số hóa tài liệu lưu trữ vào năm 2026. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, trợ lý ảo trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính; 100% thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được xử lý trực tuyến, liền mạch; tối thiểu 80% hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ nhập dữ liệu một lần.

Trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật chuyên ngành để công nhận đầy đủ giá trị pháp lý của hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2025.

2-8814.jpg
Cán bộ làm thủ tục trực tuyến cho người dân.

Công tác rà soát, tái cấu trúc thủ tục hành chính chuyển từ giấy sang điện tử sẽ được hoàn thành trước ngày 20/12. Bộ tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm dữ liệu được tái sử dụng thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Các nền tảng, hệ thống thông tin cũng sẽ được nâng cấp để duy trì hiệu quả 3 dịch vụ công trực tuyến trong nhóm 25 dịch vụ toàn trình, cung cấp các dịch vụ nhóm 982 với tối thiểu 1.000 hồ sơ/năm và triển khai nhóm 1.139 thủ tục có thành phần hồ sơ thay thế bằng dữ liệu điện tử.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về kết nối, chia sẻ dữ liệu

Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch kết nối, chia sẻ dữ liệu tư pháp với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Toàn bộ dữ liệu của Bộ sẽ được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia nhằm giảm thiểu giấy tờ, rút gọn quy trình thủ tục hành chính, giúp người dân chỉ cần kê khai thông tin một lần. Đồng thời, Bộ cũng nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tham gia triển khai và cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ cũng khẩn trương hoàn thiện, đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành theo đúng tiến độ, bảo đảm đồng bộ giữa hạ tầng vật lý với nền tảng Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cũng sẽ được xây dựng, làm sạch và đưa vào khai thác theo nguyên tắc "đúng-đủ-sạch-sống-thống nhất-dùng chung". Việc làm sạch và đưa vào khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính sẽ hoàn thành trước ngày 20/12.

Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng để thực hiện tạo lập, số hóa cơ sở dữ liệu về tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức thuộc Bộ. Cùng với đó, các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động và chỉ đạo, điều hành của Bộ sẽ được kết nối, liên thông với hệ thống của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Để bảo đảm an toàn thông tin, Bộ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các giải pháp bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng đang triển khai. Đồng thời, Bộ cũng xây dựng phương án dự phòng, kịch bản ứng phó với sự cố nhằm bảo đảm hệ thống vận hành an toàn, không gián đoạn, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Xem thêm