Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú chủ trì buổi làm việc.
Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú chủ trì buổi làm việc.

Cần có cơ chế linh hoạt để xử lý “điểm nghẽn” phát sinh

Ngày 4/7, Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với các hiệp hội ngành nghề, tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhằm lắng nghe phản ánh về những khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất phương án xử lý.

Đây là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu năm 2025 cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật đồng thời nêu ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong đó có: "Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển".

Thứ trưởng cho biết, tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu tập trung rà soát, tháo gỡ các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không khả thi, không rõ ràng, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau trong hệ thống pháp luật. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là mệnh lệnh chính trị, nhằm chuyển từ tư duy "quản lý" sang "kiến tạo phát triển"...

Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, hiện nay có 3 nhóm chính về rà soát, bao gồm: rà soát chung do Bộ Tư pháp chủ trì để xem xét tổng thể khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật để có hướng xử lý; rà soát quy định pháp luật về lĩnh vực đầu tư tài chính và nhóm liên quan đến pháp luật về khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ba nhóm khó khăn vướng mắc do quy định của pháp luật gồm bất cập, mâu thuẫn, đó là các quy định pháp luật bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo lẫn nhau dẫn đến không làm được, thực hiện theo văn bản này thì vướng văn bản kia; nhóm không khả thi trên thực tế, không áp dụng được; chi phí tuân thủ cao, chưa điều chỉnh được các vấn đề mới nhằm khơi thông nguồn lực.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Tư pháp đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn triển khai, tập trung vào việc xác định “đúng” và “trúng” các điểm nghẽn pháp luật thông qua ý kiến của các Bộ, ngành; địa phương; Hiệp hội doanh nghiệp; tập đoàn, doanh nghiệp lớn... và trên hệ thống phản ánh vướng mắc của pháp luật qua Cổng Pháp luật quốc gia.

Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp lớn đã chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh do vướng mắc pháp lý.

Thực tế cho thấy, chính những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, hoặc không rõ ràng khiến doanh nghiệp gặp khó khi triển khai dự án, hoặc tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, một số quy định chưa bắt kịp với sự phát triển nhanh của thị trường, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, làm gia tăng chi phí tuân thủ và rủi ro pháp lý...

Do đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần có cơ chế linh hoạt hơn trong xử lý vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, tăng cường tham vấn doanh nghiệp trong quá trình xây dựng pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị quy định pháp luật để bảo đảm tương tác hiệu quả, kịp thời giữa Nhà nước với người dân và doanh nghiệp.

Xem thêm