Bổ sung quyền mới cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh
Với Luật Thanh tra (sửa đổi), hệ thống các cơ quan thanh tra được tổ chức theo 2 cấp gồm: Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh, thành phố (gọi chung là Thanh tra tỉnh).
Bên cạnh đó, có các cơ quan thanh tra đặc thù gồm: Cơ quan thanh tra trong công an, quân đội, Ngân hàng Nhà nước (Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra khác trong quân đội, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của Chính phủ); Thanh tra Cơ yếu; cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế.

Chức năng của cơ quan thanh tra cũng có điểm mới khi bổ sung nhiệm vụ “phòng, chống lãng phí”.
Luật quy định thống nhất một khái niệm thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Đáng chú ý, Luật Thanh tra (sửa đổi) đã bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nhằm tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra và các bộ, ngành, các sở và bảo đảm hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Mô hình tòa án 3 cấp
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tối cao vừa được Quốc hội thông qua có một số điểm mới như:
Sắp xếp lại mô hình tổ chức Tòa án nhân dân thành 3 cấp: Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), và Tòa án nhân dân khu vực thay thế cho Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay; bỏ Tòa án nhân dân cấp cao.
Tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho Tòa án nhân dân khu vực, bao gồm các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và các vụ việc khác đang do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết. Tòa án nhân dân khu vực sẽ tiếp nhận nhiệm vụ này từ ngày 1/7/2025.
Bổ sung quy định về Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế, giao Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến áp dụng thông luật tại Tòa án chuyên biệt.
Ngoài ra, luật mới cũng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành và các luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ trong tổ chức thi hành.
Tăng số kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lên 27 người
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân gồm: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố (Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh); Viện Kiểm sát nhân dân khu vực.
Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm các ngạch kiểm sát viên, nhiệm kỳ của kiểm sát viên theo hướng không thi nâng ngạch, chỉ thi một lần vào ngạch kiểm sát viên sơ cấp hoặc kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên cao cấp, sau đó nếu đủ điều kiện sẽ được xét để bổ nhiệm vào ngạch cao hơn.
Luật đã quy định số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có không quá 27 người (tăng 8 người so với hiện hành). Nhiệm kỳ của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.
Bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Về điều khoản chuyển tiếp, luật quy định hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 1/7/2025 đối với người phạm 8 tội danh nêu trên của Bộ luật Hình sự mà chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
Đáng chú ý, đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Trưởng, Phó Công an cấp xã được khởi tố, điều tra vụ án hình sự
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ về nhiệm vụ quyền hạn của Điều tra viên làm Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó trưởng Công an cấp xã và bổ sung tại 4 điều gồm: Điều 36, Điều 110, Điều 113 và Điều 485 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, quy định Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này, các điểm a, c khoản 1 và khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này, trừ quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Để bảo đảm gần dân, Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm sẽ được bố trí ở 3 khu vực (Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh). Do đó, để bảo đảm việc kháng nghị phúc thẩm được nhanh chóng, kịp thời, đồng thời cũng bảo đảm đúng với vai trò, nhiệm vụ của các Viện Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm (xem xét bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh), luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao được ủy quyền cho Viện trưởng Công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Luật bổ sung một điều quy định có tính nguyên tắc về biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp trước khi có yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (Điều 506a).